Cùng tham khảo nội dung về Tri thức câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo để có kỹ năng làm bài văn nghị luận đạt điểm cao nhé.
Mục lục
CÁC KHÁI NIỆM CẦN NẮM VỮNG trong Tri thức câu chuyện và điểm nhìn
1. Truyện ngắn hiện đại
a. Khái niệm
– Truyện ngắn là “thứ nước hoa quả cô đặc” (Sekhop), tinh chất nhưng ngọt ngào (Sekhop)
– Truyện ngắn là con đom đóm bay vút trong đêm tối, chỉ qua một vệt sáng mà thấy được cả một bầu trời đêm mênh mông (Spago).
– Truyện ngắn là một giọt nước, tuy bé nhỏ nhưng có khả năng phản chiếu tất cả những ảnh hình, sắc màu lung linh của cuộc sống (Nating).
– “Truyện ngắn là bàn tay siết lại thành nắm đấm” (He-minh-uê).
“Truyện ngắn (short story) là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ” (Từ điển thuật ngữ văn học)
“Tự sự (narrative) là phương thức tái hiện đời sống, bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch, được dùng làm cơ sở để phân loại tác phẩm văn học” (TĐTNVH)
b. Đặc điểm
– Dung lượng ngắn gọn nhưng nội dung có khả năng bao trùm hầu hết các phương diện đời sống.
– Thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người.
– Thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, cốt truyện thường diễn ra trong một thời gian và không gian hạn chế.
– Kết cấu thường không chia nhiều tầng, nhiều tuyến, bút pháp thường chấm phá, chi tiết chắt lọc, cô đúc để tạo chiều sâu cho tác phẩm.
c. Phân biệt
– Phân biệt truyện ngắn với tiểu thuyết
– Phân biệt truyện ngắn hiện đại với truyện ngắn trung đại, truyện kể dân gian (truyện cười, truyện cổ tích, …).
2. Câu chuyện và truyện kể
– Câu chuyện: là nội dung của tác phẩm tự sự bao gồm nhân vật, bối cảnh và sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian.
– Truyện kể: là cách câu chuyện được kể như thế nào. Nó bao gồm các sự kiện được tổ chức theo mạch kể của văn bản tự sự, gắn liền với vai trò của người kể chuyện, hệ thống điểm nhìn và lớp lời văn nghệ thuật.
3. Người kể chuyện
– Là 1 vai được tác giả tạo ra, đảm nhiệm việc kể lại câu chuyện trong văn bản truyện.
– Người kể chuyện có thể là hình tượng của chính tác giả (tất nhiên không đồng nhất với tác giả ngoài đời); có thể là một người biết câu chuyện và kể lại; có thể là một nhân vật do tác giả sáng tạo ra…
– Hình tượng người kể chuyện đem lại một cái nhìn, một sự đánh giá bổ sung cho tác phẩm, làm cho đời sống và con người trong tác phẩm thêm phong phú hơn.
4. Điểm nhìn trong truyện kể
– Một số nhận định:
+ “Điểm nhìn nghệ thuật là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn” (Nguyễn Thái Hòa, Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và và điểm nhìn trong nghệ thuật trong truyện)
+ “Điểm nhìn là vị trí, xuất phát điểm mà từ đó hiện thực được quan sát và kể lại” (Nguyễn Thị Thu Thủy, Điểm nhìn và ngôn ngữ trong truyện kể)
+ “Điểm nhìn nghệ thuật trong tự sự là vị trí, chỗ đứng nhất định để nhìn nhận, xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng …và sau đó kể, miêu tả, thể hiện chúng bằng hình thức của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ” (Nguyễn Thị Hoài An, luận án tiến sĩ)
– Khái niệm: Điểm nhìn là vị trí từ đó người trần thuật quan sát và trần thuật, miêu tả, đánh giá trong tác phẩm.
– Các loại điểm nhìn:
Nếu xét theo góc độ quan sát:
+ Điểm nhìn không gian: nhìn xa, gần, trên, dưới, lệch, thẳng,…
+ Điểm nhìn thời gian: nhìn từ hiện tại, quá khứ, tương lai
+ Điểm nhìn quang học: nhìn hoàn toàn khách quan
+ Điểm nhìn tâm lí: nhìn theo tầm mắt, tâm trạng của nhân vật
+ Điểm nhìn văn hóa: nhìn theo mô hình hoặc quan niệm văn hóa chung nào đó.
+ Điểm nhìn tư tưởng: nhìn theo lập trường, quan điểm có tính giai cấp, xã hội rõ rệt.
Nếu xét theo vai người quan sát:
+ Điểm nhìn của người kể chuyện
+ Điểm nhìn của nhân vật
– Mỗi câu chuyện có thể có 1 điểm nhìn thấu suốt, gắn liền với 1 quan điểm, 1 cách đánh giá; có thể có nhiều điểm nhìn gắn với nhiều quan điểm, cách đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
5. Lời người kể chuyện và lời nhân vật
– Lời văn nghệ thuật là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học, bao gồm các dạng: lời thơ, lời trần thuật, lời nhân vật, lời thoại,… Thành phần cơ bản của lời văn trần thuật là lời gián tiếp (của người kể chuyện) và lời trực tiếp (của nhân vật) được tổ chức theo cách thức hoạt động giao tiếp (lời độc thoại, lời đối thoại)
– Lời người kể chuyện: Gắn với ngôi kể, điểm nhìn, ý thức, giọng điệu của người kể chuyện, có chức năng miêu tả, trần thuật, phán đoán, đánh giá đối với đối tượng được miêu tả, trần thuật cũng như định hướng việc hình dung, theo dõi mạch kể của người đọc.
– Lời nhân vật: ngôn ngữ của chính nhân vật, độc thoại hay đối thoại gắn liền với ý thức, quan điểm, giọng điệu của chính nhân vật.
– Lời người kể chuyện và lời nhân vật có khả năng kết nối, cộng hưởng, giao thoa tạo nên 1 số hiện tượng đặc biệt như:
+ Lời nửa trực tiếp: Lời của người kể chuyện nhưng tái hiện ý thức, giọng điệu của nhân vật
Ví dụ: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức Thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều… (Chí Phèo)
+ Lời độc thoại nội tâm: tái hiện tiếng nói bên trong của nhân vật
Ví dụ: Hắn nghĩ bụng: “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?…Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ?…” (Vợ nhặt)
+ Lời nhại: mô phỏng quan điểm, ý thức của nhân vật với chủ ý mỉa mai, bông đùa
Ví dụ: Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư? Hà! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn chỉ tâm phơ tầm phào đâu có hai bạn, ấy thế mà thành vợ thành chồng… (Vợ nhặt)
6. Không gian nghệ thuật
– Không gian NT là không gian mà nhân vật sống, hồi tưởng, mơ tưởng; là không gian mà câu chuyện diễn ra
Ví dụ:
+ Không gian của truyện ngắn Vợ nhặt: Không gian chính bao trùm là xóm ngụ cư, không gian nhỏ hơn là căn nhà mẹ con Tràng sống; Ngoài ra có không gian ở cửa nhà kho nơi Trang đi xe thóc lên tỉnh
+ Không gian của truyện ngắn Chí Phèo: Không gian chính bao trùm là làng Vũ Đại, những không gian nhỏ hơn như: Nhà Bá Kiến, túp lều ven sông chỗ Chí Phèo trú ngụ, vườn chuối
7. Thời gian nghệ thuật
– Văn học miêu tả con người và cuộc sống trong 1 quá trình chứ không phải 1 khoảnh khắc như hội họa, nhiếp ảnh
+Thời gian tuyến tính
+Thời gian đa chiều
8. Chi tiết tiêu biểu:
+ Chi tiết NT: là bộ phận nhỏ nhất có ý nghĩa của tác phẩm mà nhờ bộ phận này thế giới nghệ thuật của tác phẩm mới hiện ra 1 cách sinh động và cụ thể
+ Chi tiết tiêu biểu: là chi tiết mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng
…
Tham khảo:
Hướng dẫn viết mở bài nghị luận Văn học
Hướng dẫn nghị luận so sánh đánh giá hai tác phẩm văn học
Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận văn học
Kỹ năng viết văn nghị luận về một tác phẩm truyện
Hy vọng rằng nội dung về Tri thức câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể…sẽ là tài liệu ôn tập ngữ văn hiệu quả giúp các bạn nắm chắc kiến thức làm bài nghị luận xã hội và giúp bạn tự tin hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều để đạt kết quả tốt cho kỳ thi sắp tới nhé!
Theo dõi MXH của Onthidgnl nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Bộ sưu tập bài viết liên quan Nghị luận văn học: https://onthidgnl.com/chuyen-muc/nghi-luan-van-hoc/