Cùng Onthidgnl tham khảo nội dung Nghị luận văn học Những kiếp đời tàn trong Hai đứa trẻcủa Thạch Lam để học tập và ôn thi hiệu quả với phần nghị luận văn học nhé các bạn!
Tham khảo Những kiếp đời tàn trong tác phẩm Hai đứa trẻ
Cũng là một đời người, tại sao số phận dành cho mỗi người lại khác nhau tới vậy? Đứng trước một người nghèo khổ tàn tạ, ai mà chẳng áy náy xót thương? Nhưng đứng trước cả một tập hợp người nghèo khổ và vô vọng, đang gắng tìm kiếm từng miếng cơm hàng ngày, thì người ta có thể nghĩ ra điều gì? Dưới con mắt sắc sảo của Thạch Lam, khi ông phơi bày một hiện thực buồn của xã hội đương thời theo cách tinh tế đến thế, bạn đọc có thể chiêm nghiệm ra nhiều điều…
Những người hiểu đạo lý cũng có thể băn khoăn: “Kiếp trước họ đã làm những gì mà kiếp này họ lại phải cùng nhau chịu khổ nhục như vậy?”. Rồi có khi họ lại thở dài mà tự trả lời: “Kiếp nhân sinh đúng là một cõi mê, nơi con người gắng quờ quạng mà đi cho hết phận”.
“Hai đứa trẻ” để lại những ấn tượng, bâng khuâng trong lòng người đọc, với những chân dung gợi cảm về cuộc đời tàn trong đêm nơi phố huyện.
Có thể hình dung những thân phận tàn tạ ấy là những hình nhân mờ nhạt, được gắn vào lồng đèn kéo quân đã khô kiệt những giọt dầu cuối cùng. Cây đèn kéo quân ấy, lừ đừ, chậm chạp, kéo những hình nhân quẩn quanh, bế tắc, bất động…
Hình ảnh Hai chị em Liên và An
Số phận của chị em Liên gây ấn tượng nhất về sự quẩn quanh bế tắc của người dân phố huyện. Hai đứa vốn là con của gia đình công chức ở Hà Nội. Nhưng rồi cha thất nghiệp dắt vợ con về quê nội. Mẹ của chúng đầu tắt mặt tối suốt ngày để làm hàng xáo. Chị em Liên phải trông coi lẫn nhau, đồng thời phải bán một cửa hàng tạp hóa bé xíu để góp chút tiền còm vào kế sinh nhai.
Liên và An là hai đứa trẻ có tâm hồn rất trong sáng của tuổi thơ. Nhu cầu về tình phụ mẫu là rất lớn. Vậy mà trong tác phẩm ta không hề thấy xuất hiện nhân vật người cha. Còn người mẹ nếu xuất hiện chỉ làm tăng lên mối ái ngại cho những đứa trẻ. Bởi vì, mẹ chúng chỉ tạt qua thoáng chốc xem chị em Liên bán được nhiều ít thế nào; không có quà, không một lời an ủi; không có một bàn tay dịu dàng xoa đầu ôm ấp… Đêm đêm hai đứa trẻ không còn bản năng đợi chờ cha mẹ. Chúng chỉ biết ngắm sao trời, theo dõi tỉ mỉ đường bay của những con đom đóm. Và thật tội nghiệp khi hạnh phúc lớn nhất của chúng chỉ là chờ đợi chuyến tàu đêm.
Hai đứa trẻ rất đáng thương bởi chúng không được vui đùa rong chơi ở những không gian rộng rãi ở phố huyện. Chúng phải làm những tù nhân tự nguyện trong cửa hàng tạp hóa bé xíu, để khi chiều vừa buông xuống thì đôi mắt trong veo của chúng đã chứa đầy bóng tối.
Chúng không có sự vô tư của trẻ con, mà có nét lo toan như người lớn. Nhìn bé Liên kiểm kê số hàng đã bán được trong buổi chợ phiên mà ta thật chạnh lòng: Nửa bánh xà phòng, những phong thuốc lá, một ly rượu… không có gì trọn vẹn. Hiển nhiên món tiền lời cũng bé cỏn con. Vì thế người đọc càng chạnh lòng hơn khi bé Liên tự than thân như tiếng nói ngao ngán của chị Tí: Hôm nay ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì.
Hai đứa trẻ ở đây rõ ràng không còn là hai đứa trẻ. Chúng là những trái cây non bị nắng gió cuộc đời bắt phải chín ép. Chúng ló những mầm non bị thui chột bởi thiếu ánh dương, bởi cuộc đời chúng đã mất hết chất phù sa, màu mỡ.
Sân khấu cuộc đời đã trưng ra những nhân vật đơn điệu đó, nhưng ở hậu trường cũng còn lấp ló những cuộc đời tàn nữa: đó là một bà cụ móm mém ngăn đôi căn nhà của mình bằng tấm phên có dán giấy nhật trình chạy tàu để cho nhà Liên thuê làm hiệu tạp hóa; một người cha vì thất nghiệp mà đã phải dắt díu vợ con về quê. Một người mẹ bươn bả tất bật tới mức không có chút xíu thời gian nào để yêu thương các con. Tất cả cứ như đang cùng đi vào bóng tối của cuộc đời.
Ấn tượng về chữ tàn trong tác phẩm này đã xuyên suốt chi phối cảm giác của người đọc. Những cái tàn ấy hình như đã bổ sung cho nhau, để gợi lên một cảm giác còn nặng nề hơn nữa: ngày tàn, chợ tàn, và những kiếp người cũng đang dần tàn lụi…
Hình ảnh Những đứa trẻ nhà nghèo
Loại nhân vật là những đứa trẻ cùng trang lứa với hai đứa trẻ nhân vật chính của câu chuyện. Khi trời vừa xẩm tối, khi bãi chợ vừa vãn khách, khi hơi nóng của một ngày ngột ngạt chưa hết thì bé Liên nhìn thấy những đứa trẻ bên bãi chợ xuất hiện như những con dơi. Chúng “cúi lom khom trên mặt đất, đi lại, tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre”. Tất cả những từ “lom khom, đi lại tìm tòi, nhặt nhạnh” đều gợi cho ta về hình dáng, hành động, tính cách của người già nua. Trong phố huyện này, trẻ con đã bị cuộc đời đánh cắp mất tuổi thơ. Chúng đã phải lam lũ, chúng đã phải có tính cách người già để thích ứng với hoàn cảnh nghiệt ngã.
Những đứa trẻ thì “nhặt nhạnh”. Con của bác xẩm thì “nghịch nhặt”. Rõ ràng đứa trẻ còn phải bò đã thực tập theo những hành vi của những đứa trẻ lom khom, có một dòng đời tù túng, quẩn quanh như định mệnh siết chặt những người dân phố huyện.
Hình ảnh Mẹ con chị Tí
Trước hết là thân phận hai mẹ con chị Tí. Họ xuất hiện vào lúc “trời nhá nhem tối”. Cái nơi mà họ xuất hiện là không rõ ràng: “ở trong ngõ đi ra”. Cả hai đều mang không biết bao nhiêu là đồ đạc. Thằng cu bé xách điếu đóm, khiêng hai cái ghế trên lưng. Mẹ nó đội chõng tre trên đầu và hai tay xách hết cả gia sản ra dọn hàng nước. Có thể kể về những sự vật của mẹ con chị Tí, nào là chén bát uống nước; chiếc cơi đựng trầu; nào là cái hỏa lò với củi lửa, với ấm nước, với chè xanh; nào là cái dao để bổ cau và đặc biệt là ngọn đèn dầu leo lét cháy.
Mẹ con chị Tí dường như chui ra từ bóng đêm để đến cái mốc gạch thắp ngọn đèn dầu le lói giữa đất trời phố huyện mênh mang. Ở đây Thạch Lam đã dùng cái nhiều để nói về cái ít. Nhiều là số lượng. Còn ít là ít về chất lượng. Nếu gọi tên các sự vật thì gia sản của mẹ con chị Tí có rất nhiều. Nhưng tất cả đều phơi bày một cái nghèo thảm hại xác xơ. Những sự vật liệt kê tài sản mẹ con chị Tí đều là những thứ nhẹ bỗng và lủn mủn, lặt vặt, vô giá trị.
Cái tên là chị Tí lại xuất hiện cùng với đứa con nhỏ đi tìm kế sinh nhai khi trời chạng vạng gợi cho người ta một sự động lòng trắc ẩn. Người phụ nữ đơn độc, nuôi một đứa con côi cút. Cả một ngày mò cua bắt ốc và đêm đến vẫn tiếp tục cuộc mưu sinh. Mẹ con chị Tí là hình ảnh của con cò trong ca dao Việt Nam…
Gây ấn tượng day dứt không nguôi ở phần đầu tác phẩm chính là cuộc đối thoại giữa Liên, An và mẹ con chị Tí. Trước hết, Liên đã hỏi một câu hỏi chỉ mang tính xã giao: “Sao hôm nay chị dọn hàng muộn thế?”
Dòng ngôn ngữ đối thoại đã bị ngắt quãng quá lâu bởi chị Tí đặt chõng xuống đất bày biện các bát uống nước, mãi rồi mới chép miệng: “Ối chao, sớm với muộn mà ăn thua gì”.
Rõ ràng đây là câu độc thoại, một lời than thân ngậm ngùi. Chỉ riêng hai tiếng chép miệng cũng cho thấy chị Tí trả lời uể oải, chủng chẳng đến mức nào.
Rồi tất cả bỗng chìm vào im lặng. Chị Tí tiếp tục kê chõng ghế; dịch ngọn đèn; ngồi têm trầu. Dường như bị cái im lặng đầu độc nên chị đã nói chuyện với Liên duy nhất bằng một câu hỏi không cần người khác trả lời “Còn cô chưa dọn hàng à?”.
Ngôn ngữ đối thoại có hai đặc điểm chính. Đó là sự phát ngôn phải liên tục giữa người này với người khác. Đó là cuộc trò chuyện phải diễn ra một cách tự nhiên. Nếu cảm xúc bị nguội lạnh không hứng thú thì cuộc nói chuyện ấy dường như chấm dứt và thất bại. Rõ ràng cuộc nói chuyện giữa Liên và chị Tí hoàn toàn không xuất phát từ cảm hứng giao tiếp. Thông qua thứ ngôn ngữ này ta thấy cuộc sống đã leo lét, kiếp người ở phố huyện lúc đó đã cạn kiệt năng lượng sống.
Hình ảnh Gánh phở bác Siêu
Nhân vật thứ ba góp vào những cuộc đời tàn phố huyện là bác phở Siêu.
Sau hai người đàn bà côi cút ta lại gặp một người đàn ông lẻ loi, tìm kiếm miếng ăn theo cách thức của đàn bà.
Bác phở Siêu xuất hiện vào lúc trời đã đi vào đêm, đường phố huyện và các ngõ con chứa đầy bóng tối. Những luồng ánh sáng bây giờ chỉ còn lại là những khe ánh sáng… Dường như phố huyện không có ánh sáng nhân tạo mà chỉ là những luồng ánh sáng tự nhiên. Đó là ngàn sao lấp lánh. Đó là những vệt sáng của những con đom đóm… Bác phở Siêu xuất hiện giữa bao la bóng đêm như một con ma trơi lập lòe với một chấm lửa vàng lơ lửng đi trong đêm tối khi ẩn, khi hiện.
Liên và An nhận diện được gánh phở của bác bằng mùi, bằng khứu giác; ngọn gió đã cho An và Liên cái mùi thơm của một thứ quà xa xỉ. Quà ấy nhiều tiền, và hai chị em biết rằng mình không bao giờ có thể ăn được.
Bác Siêu đã tới tập kết ở quán nước với ngọn đèn dầu của chị Tí. Hành động người đàn ông lúi cúi nhóm lửa, bóng của bác “mênh mang ngả xuống một dải đất và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ” đã gợi cho ta con đường bế tắc của thân phận chị Tí khi ra khỏi ngõ để rồi bác Siêu lại chui đầu vào ngõ. Đây phải chăng là cuộc hành trình luân hồi vòng vo bế tắc của người dân phố huyện?
Phố huyện lơ thơ những con người nghèo đói. Phở của bác Siêu không phải là món ăn dành cho họ. Nếu món hàng xa xỉ ấy, bác Siêu hy vọng có những người khách sang từ Hà Nội về, xuống tàu đi vào phố huyện họ có thể ăn phở của bác. Thế nhưng, trong câu chuyện ta thấy đoàn tàu rầm rộ đi ngang ga xép, không dừng lại. Bác phở Siêu đang bán hàng theo một phương cách quá phiêu lưu. Chỉ cần vài đêm chuyến tàu không dừng lại ở ga xép, phở sẽ thiu thối thành đồ bỏ. Bác Siêu sẽ hoàn toàn tay trắng. Đây là lý do trong tác phẩm, bác phở Siêu là người đầu tiên thông báo những tín hiệu của đoàn tàu đang tới gần ga.
Hình ảnh Bà cụ Thi điên
Kiếp đời tàn thứ hai xuất hiện trên ‘cây đèn kéo quân’ phố huyện là bà cụ Thi hơi điên điên.
Hai chị em Liên vào cửa hàng tạp hóa bé xíu của mình để đếm lại những món hàng mà mình bán được trong ngày chợ phiên. Cả hai không muốn tính toán khoản tiền ít ỏi. Trong lúc buồn nản như vậy thì đột nhiên sau lưng Liên có tiếng nói: “A, cô bé làm gì thế?”.
Theo sau là tiếng cười khanh khách. Liên đã biết là ai, “chị lẳng lặng rót một ly rượu đầy”. Cụ già cầm ly rượu ấy soi lên dưới ánh hoàng hôn chạng vạng, cười giòn giã, rồi ngửa cổ uống một hơn cạn sạch. Và rồi cụ đi sâu vào trong bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng. Bà cụ Thi xuất hiện rất đột ngột cùng với tiếng cười khanh khách như ma trơi. Điểm làm người ta đặc biệt chú ý ở nhân vật này là khi nhận được li rượu đầy, bà lão đã giơ ly rượu lên để ngắm, để soi ly rượu trong ánh sáng của buổi chiều tàn.
Rõ ràng bà coi đó là thần dược, là vật quý giá. Chỉ có rượu mới mang lại một vài giây phút tìm lãng quên để có hạnh phúc cho bà. Cách thức uống rượu cũng rất đặc biệt. Đó là ngửa cổ ngẩng mặt lên trời rồi dốc tuột ly rượu vào họng chóng vánh. Cụ Thi như sợ ai ăn cướp mất bảo vật của mình… Cách uống ấy gợi cho ta nhớ tới nhân vật Mị ừng ực uống từng bát rượu khi nghe tiếng sáo đêm xuân.
Cụ uống như để tìm chút lãng quên cuộc đời:
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai.
(Nguyễn Du)
Hành động “để ba đồng xu vào tay Liên, xoa đầu chị một cái” đã cho thấy nguyên nhân của bà cụ Thi hơi điên chính là sự thiếu thốn của tình cảm gia đình. Đến cái tuổi làm bà nội, bà ngoại, muốn được cháu con yêu chiều mình và mình được chăm sóc cháu con nhưng không thể nào được toại nguyện.
Mẹ con chị Tí cơ cực nhưng còn ríu rít tình mẫu tử. Bà cụ Thi chỉ một thân một mình già nua gợi cho ta bao nhiêu ái ngại. Ra khỏi bóng tối và rồi lại đi sâu vào trong “bóng tối”. Đó đúng là một thân phận đáng thương.
Nguồn: Sưu tập