Cùng tham khảo nội dung về Viết đoạn văn phân tích chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ của tác giả Đỗ Chu được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo để có kỹ năng làm bài văn nghị luận đạt điểm cao nhé.
Mục lục
Đề bài: Em hãy viết đoạn văn phân tích chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ của tác giả Đỗ Chu
Ở Bình Ðịnh, bồng chanh có nghĩa là hay xía vô chuyện người khác, xía cách hiền lành, vô tư. “Làng tôi” trong bài ký sau đây là một làng ngoài Bắc. Cái con chim bồng chanh “mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô” trong đầm sen cạnh làng, con chim ấy qua lời Ðỗ Chu chẳng hề bồng chanh Bình Ðịnh một chút nào. Tên nó thế, không biết có phải vì quanh nơi nó đậu từ bồng chanh mang một nghĩa khác? Dù sao, đó là một con chim thật ngộ. Ước gì có dịp ghé “làng tôi” thăm nó.
(Thu Tứ)
Đỗ Chu, “Bồng chanh đỏ”
“… Vợ chồng đôi bồng chanh đỏ năm nay đã về làm tổ ở chỗ gốc vối chưa, anh tin là thể nào nó cũng quay lại đầm nước làng mình. Nó bỏ làm sao được cái đầm sen đẹp như vậy, phải không em (…) Trong cánh rừng bọn anh đóng quân có rất nhiều giống chim lạ, nhưng bồng chanh đỏ thì anh chưa hề gặp (…)”.
(…) Tôi có cảm tưởng chỉ ở đầm nước làng tôi mới có bồng chanh đỏ (…)
Con chim ấy thường đậu trên một cọng sen khô ven đầm. Trông nó thật rực rỡ. Cái mỏ nhọn hoắt và oai vệ, dài như một cái quản bút. Lông ức hung hung vàng, còn thì toàn thân đỏ hồng như một đốm lửa. Chao ôi, đã bao nhiêu lần anh em tôi đứng trên bờ đầm ngắm nhìn không mỏi mắt bộ cánh rất đẹp của nó. Ðừng bao giờ bạn tưởng nó đang ngủ gật nhé, cứ lim dim mắt và đậu lì một chỗ như thế đấy, nhưng chỉ cần một hòn sỏi nhỏ rơi xuống nước là lập tức cái đầu tinh khôn của nó nghểnh cao lên ngay. Lúc đó, bạn sẽ thấy nó láu lỉnh một cách lạ lùng. Chính tôi đã phải thất vọng vì không sao lại gần nó được (…) Hãy thử bước thêm lên một bước. Một bước nữa. Thế là rõ rồi, nó vờ ngủ đấy thôi. Nó chẳng bỏ qua một hành động nhỏ nào của ta hết. Cái đầu ranh mãnh của nó lại đang nghiêng nghiêng ngó ngó kia rồi. Chỉ cần ta tiến lên một bước nữa hoặc vung tay một cái là nó sẽ bay vụt đi ngay.
Tôi không còn nhớ chính xác vào khoảng thời gian nào mình đã gặp bồng chanh lần đầu tiên trong đời (…) Dạo ấy tôi còn là một thằng bé con, thường theo anh ra ngoài đầm nước sau làng để anh dạy bơi (…) chính anh đã chỉ cho tôi nhìn thấy nó.
– Một con chim màu đỏ, mày không nhìn thấy sao. Hãy nhìn thật kỹ, nó rất dễ lẫn với hoa sen.
Rồi biết tôi có nhìn lâu hơn nữa cũng khó mà thấy được, anh Hiền nhặt một hòn đất ném mạnh. Giữa bãi sen xanh rì, một con chim nhỏ, không, một bông hoa đỏ rực, một đốm lửa, bỗng bay bổng lên cao. Nó không bay xa, chỉ một thoáng đã quay lại, đậu xuống chỗ cũ. Từ phút đó tôi biết là mình sẽ không bao giờ quên được con chim kỳ lạ này.
(…) bồng chanh chỉ là một con chim nhỏ bé, rất dễ lẫn với những bông hoa. Nhưng bọn trẻ chúng tôi chẳng đứa nào quên được sự có mặt của nó ở đây và dù nó luôn luôn khiêm tốn, ngủ gà ngủ vịt trong một góc đầm, chúng tôi vẫn nhìn thấy như thường.
Có một lần, dăm đứa vốn hay đi lang thang nhất làng đã ngồi trên bờ đầm tranh cãi với nhau mãi về nó.
– Tao cam đoan đây là một chú chả.
– Bồng chanh bồng quít gì cho nhiêu khê, cứ gọi nó là bói cá, mắt tao đã nhìn thấy nó lao xuống chộp mồi như một chú bói cá. Nó cứ đứng im như treo trên không trung rất lâu rồi vút một cái, cắm thẳng xuống nước.
– Bói cá hay chả thì lông phải xanh chứ sao lại đỏ?
Chẳng hiểu chúng nó còn phải gân cổ lên với nhau như vậy đến bao giờ nếu lúc đó anh tôi không kịp thời xuất hiện để đứng ra phân giải:
– Bồng chanh, bói cá đều thuộc họ chả. Nó làm tổ trong lòng đất. Chỗ gốc vối đằng kia nhất định phải có tổ của nó. Hai vợ chồng bồng chanh thay nhau một con đi kiếm ăn, một con ở nhà. Chúng đẻ trứng vào mùa xuân, sang mùa hạ thì chim non đã lớn và bắt đầu đi kiếm ăn một mình. Chúng sống thành từng đôi một, rất đầm ấm và chuyên cần. Các cậu nhìn, kia là con vợ đang chờ chồng mang mồi về mớm cho con.
Thật là tài tình, vừa hay khi chúng tôi quay ra nhìn theo tay anh Hiền chỉ thì một chú bồng chanh thứ hai, cũng đỏ rực như một ngọn lửa, từ đâu đã bay về. Nó đậu trên cành vối, cái mỏ ngậm mồi quay ngang quay ngửa như đang tỏ ra e ngại trước sự có mặt của chúng tôi. Không một tiếng kêu, bồng chanh vợ vội bay từ dưới đầm lên đậu bên cạnh chồng. Chúng rù rì trao đổi với nhau vài lời gì đó, chắc là con vợ bảo:
– Nhà nó chớ có ngại, bọn kia từ làng ra tắm và tán gẫu đấy thôi.
Nghe lời vợ, anh chàng liền cất cánh bay bổng lên, làm một động tác giả để đánh lừa chúng tôi, xong sà sát mặt nước rồi mất hút sau đám lá sen. Chúng tôi đều biết thừa là nó đã chui tọt vào tổ rồi.
(…)
Bạn nhớ nhé, làng tôi nằm bên một đầm sen rộng, mùa hạ hoa nở bát ngát, làng có cổng làng, còn trong đầm thì có một con bồng chanh mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô (…)
Tháng 5 năm 1972
(Trích từ bài Bồng Chanh Ðỏ trong tập truyện ngắn Chuyện Mùa Hạ của Ðỗ Chu, nxb. Văn Học, 2010)
Hướng dẫn làm bài
HS xác định đúng chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ.
– Chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ là: cách ứng xử của con người với thiên nhiên; tình yêu thương và sự tôn trọng quyền sống tự do đối với loài vật….
HS chỉ ra được các căn cứ để xác định chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ.
+ Sự kiện: phát hiện chim bồng chanh, đi bắt giống chim quý, trả chim về tổ cũ, lén đi bắt chim một mình, mong ước cuộc sống yên ổn cho gia đình chim bằng chanh đỏ.
+ Nhân vật và mối quan hệ giữa nhân vật với hoàn cảnh và các nhân vật khác: chủ bé Hoài trong mối quan hệ với không gian làng quê, với đầm sen thơ mộng, nơi sinh sống của giống chim quý, mối quan hệ giữa Hoài với anh trai (người truyền cho cậu bé tình yêu, niềm say mê các giống chim quý hiếm), với những người xung quanh (lũ bạn cũng say mê chim bồng chanh).
+ Chi tiết và mối quan hệ giữa các chi tiết: nhan đề Bồng chanh đỏ và mối quan hệ giữa nhan đề này với một loạt các chi tiết như phát hiện ra chim bồng chanh, đi tìm bắt chim, háo hức vì bắt được chim quý, thả chim về tổ cũ, lén bắt lại chim và thái độ, cách ứng xử của các nhân vật sau khi nhận thức được vấn đề (yêu thương, tôn trọng, bảo vệ, mong muốn điều tốt đẹp cho chim bồng chanh).
+ Điểm nhìn, ngôi kể, cách kể chuyện: nhân vật Hoài – một nhân vật trong truyện – kể lại câu chuyện của anh em minh. Ngôi kể thứ nhất này tạo nên cách nhìn chủ quan, nhiều cảm xúc, suy nghĩ và điểm nhìn trong sáng, chân thực của một chủ bé nông thôn tinh nghịch nhưng nhân hậu, biết nhận lỗi và sửa sai.
HS xác định đúng thông điệp của truyện Bồng chanh đỏ.
HS đặt câu hỏi: Tác giả muốn nhắn gửi tới người đọc bức thông điệp gì về cách ứng xử của con người với loài vật?
Tác giả cũng muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp: Hãy biết yêu thương, trân trọng và đừng làm tổn hại tới động vật, bởi chúng cũng giống con người, cũng biết đau, biết buồn, biết cả tổn thương.
HS thực hiện việc viết đoạn văn phân tích chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ.
Đoạn viết tham khảo: Phân tích khía cạnh cách ứng xử của con người với thiên nhiên của chủ đề trong truyện
Tôi yêu thích truyện Bồng chanh đỏ trước hết vì chủ đề truyện: cách ứng xử của con người với thiên nhiên. (2) Chủ đề ấy thể hiện qua sự việc tìm bắt chim bồng chanh. (2a) Mong muốn bắt chim bồng chanh đỏ của anh Hiền không bắt nguồn từ sự độc ác, mà trái lại, đến từ niềm đam mê, tình yêu của anh với loài chim quý hiếm này:(“) “Anh mê bồng chanh lắm, mê hơn tất cả những chú chim mà anh đã có trong lồng kia” (**) Với tình yêu và sự hiểu biết của anh Hiền, có lẽ anh sẽ biết cách chăm sóc, nuôi nấng chim bồng chanh đỏ. (*) Thế nhưng, qua bao khó khăn để bắt được, anh Hiền lại quyết định thả chú chim về tổ. Anh bảo: “Thôi tha cho vợ chồng nó, chúng nó còn có con nhỏ”. (**) Thì ra, tình yêu thiên nhiên không phải sự chiếm hữu, mà là tôn trọng thiên nhiên trong trạng thái vốn có. Cũng như con người, loài vật chỉ có thể hạnh phúc khi được sống tự do. Anh Hiền hiểu rằng cuộc sống bị giam cầm, dù được chăm sóc tốt thế nào, cũng là nỗi bất hạnh với chim.
Chủ đề cách ứng xử với thiên nhiên được tô đậm hơn qua những chuyển biến trong nhận thức của nhân vật Hoài. (2b) Ban đầu, Hoài chưa hiểu quyết định trả tự do cho chim bồng chanh đỏ, nên đã trách anh Hiền. (**) Lời nói của anh đã thức tỉnh Hoài, đồng thời thức tỉnh chúng ta những người đọc: (*) “Nếu có đứa nào phá rối nhà mày thì mày tính sao… Vậy thì mày có muốn đóng vai thằng ăn cướp đối với gia đình con bồng chanh không?” (**) Những lời nói ấy khiến Hoài nhận ra giữa thiên nhiên và con người luôn có sự tương quan, chim bồng chanh cũng mong muốn bảo vệ tổ ấm của nó, giống như con người. Vì thế, những điều ta không muốn xảy đến với mình, ta đừng gây ra cho các loài vật. (*) Từ đó, Hoài “thương đôi bồng chanh bây giờ đã tha con đến một cánh đồng nào, ở một đầm nước xa lạ, chúng lại cùng nhau xây tổ để tránh mưa tránh nắng….(**) Tình thương ấy xuất phát từ lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, dù muộn mằn. Vì hành động nhất thời của hai anh em, chim bồng chanh đã phải bỏ tổ để đi nơi khác. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng khi ứng xử với thiên nhiên, vì bất kỳ hành động vô tâm nào cũng có thể gây ra những tổn thương đối với muôn loài. (*)
…
Tham khảo:
Hướng dẫn viết mở bài nghị luận Văn học
Hướng dẫn nghị luận so sánh đánh giá hai tác phẩm văn học
Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận văn học
Kỹ năng viết văn nghị luận về một tác phẩm truyện
Hy vọng rằng nội dung về Viết đoạn văn phân tích chủ đề của truyện Bồng chanh đỏ của tác giả Đỗ Chu…sẽ là tài liệu ôn tập ngữ văn hiệu quả giúp các bạn nắm chắc kiến thức làm bài nghị luận xã hội và giúp bạn tự tin hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hãy tham khảo và luyện tập thật nhiều để đạt kết quả tốt cho kỳ thi sắp tới nhé!
Theo dõi MXH của Onthidgnl nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Bộ sưu tập bài viết liên quan Nghị luận văn học: https://onthidgnl.com/chuyen-muc/nghi-luan-van-hoc/