Tham khảo mẫu Mở bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc sau đây.
Mục lục
Mở bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Mẫu số 1
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà chính trị, ngoại giao tài ba đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương cao quý khác.
Về văn học, Phạm Văn Đồng viết nhiều bài nghị luận đặc sắc về các danh nhân văn hóa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Trong đó có bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc.
Bài văn viết nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Đồ Chiểu (3-7- 1888) và đăng trên Tạp chí Văn học tháng 7 – 1963. Đây là thời kì đế quốc Mĩ quyết định tài trợ, can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở miền Nam. Phong trào đấu tranh chống Mĩ và tay sai của nhân dân miền Nam nổi lên khắp nơi, tiêu biểu là phong trào đồng khởi của nhân dân Bến Tre. Hoàn cảnh lịch sử ấy giúp chúng ta hiểu thêm tại sao tác giả Phạm Văn Đồng lại nhấn mạnh thời điểm khi ông viết bài văn ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu.
Nội dung sâu sắc và mới mẻ mà tác giả đặt ra trong bài viết là: Nguyễn Đình Chiểu, một nhân cách trong sáng, một nhà thơ lớn của dân tộc cần phải được đánh giá đúng đắn hơn, đầy đủ hơn.
Bài viết có sức lôi cuốn mạnh mẽ do ngôn ngữ tác giả sử dụng vừa xúc động, thiết tha, kết hợp với nhiều hình ảnh, ngôn từ có khả năng gợi tả, gợi cảm cao, đặc biệt là phương pháp nghị luận chặt chẽ và xác đáng.
Mở bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Mẫu số 2
Nói đến những con người tài ba, có công với đất nước ta, không thể không nhắc đến Phạm Văn Đồng. Ông không chỉ là một nhà chính trị tài ba, mà còn là một nhà văn hóa lớn. Ông đã đóng góp rất nhiều cho đất nước, để lại tiếng vang lớn trong lòng tất cả người dân Việt Nam. Đối với ông, những danh nhân văn hóa lớn của Việt Nam đều là những người ông coi trọng và nể phục. Ông đã viết nên tác phẩm “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc” vào ngày tưởng niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, như để tưởng nhớ đến nhà thơ. Đọc tác phẩm, người đọc không chỉ cảm nhận được sự tài ba của Nguyễn Đình Chiểu, mà tác phẩm còn là một áng văn nghị luận mẫu mực, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Mở bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Mẫu số 3
Năm 1963, trên miền Bắc nước ta, lễ kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu đã được tổ chức hết sức trọng thể. Đây được xem là một cái mốc giàu ý nghĩa của tiến trình nghiên cứu về nhà thơ yêu nước lớn này của dân tộc.
Trong số những bài viết ra đời nhân dịp đó, tiểu luận Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng có một vị trí khá đặc biệt, do cách đặt vấn đề và khả năng gợi mở hướng nghiên cứu mới của nó. Chính lời mở và lời kết của áng văn đã cho thấy rõ điểu này. Lời mở: “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này”. Và lời kết: “Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng”. Qua những câu vừa trích, có thể hiểu rằng trước đó, sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Chiểu còn chưa được đánh giá một cách toàn diện và thơ văn yêu nước của ông còn chưa được chú ý nghiên cứu cho đúng với tầm mà nó có. Thêm nữa, trong lúc công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà đang đòi hỏi việc khơi dậy lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của toàn dân, đồng thời yêu cầu xây dựng một nền văn nghệ mới phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc đang được đặt ra trên một tầm độ mới, việc khai thác nội dung yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu càng có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Mở bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc – Mẫu số 4
Năm 1963, ngọn lửa cách mạng miền Nam bùng cháy ngút trời. Quân và dân ta từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước, ngày một trở nên dữ dội, quyết liệt.
Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Đảng và Chính phủ ta đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Đồ Chiểu (3-7-1888 – 3-7-1963) tại Nhà hát lớn Hà Nội. Bài “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc” của Phạm Văn Đồng viết trong dịp ấy, đăng trên Tạp chí Văn học, tháng 7-1963.
Có thể coi bài nghị luận này là một chân dung vãn học rất đặc sắc viết về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ XIX
Mở đầu bài văn, Phạm Văn Đồng lấy hình ảnh “ngôi sao” để ca ngợi tầm vóc của Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ lớn của nước ta. Tác giả chỉ rõ “trong lúc này” nghĩa là khi cả dân tộc ta bước vào một cuộc chiến đấu mới chống để quốc Mĩ và bè lũ tay sai bán nước, thì phải làm cho Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc.
Xem thêm:
Kết bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc
Phân tích Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc – Văn 12
Soạn Văn 12 – Kiến thức đầy đủ chương trình Ngữ Văn lớp 12