Hãy cùng tham khảo nội dung Đọc hiểu văn bản kịch: Hồi thứ tư – Lớp 3 – Arpagông – Clêan. Một tác phẩm kịch thú vị, không chỉ là một văn bản kịch thông thường, mà còn là một cuộc hành trình đầy màu sắc qua từng trang viết. Cùng tham khảo và trả lời câu hỏi đọc hiểu để hiểu hơn về văn bản nhé
Mục lục
Đọc hiểu kịch Đọc văn bản sau: Hồi thứ tư – Lớp 3 – ARPAGÔNG – CLÊAN
[…]
CLÊAN: Thưa cha, sự tình đã đến thế này, thì con phải tỏ bày tâm sự với cha, con phải bộc lộ với cha câu chuyện thầm kín của chúng con. Sự thật là con yêu cô ấy từ cái hôm con được gặp cô trong một buổi dạo chơi; ý con hồi này là định xin cha cho phép con lấy cô ta làm vợ, chỉ vì thấy cha tuyên bố ý định của cha và sợ trái ý cha nên con mới ngập ngừng dè dặt.
ARPAGÔNG: Thế anh đã đến nhà cô ấy chưa?
CLÊAN: Thưa cha, đã ạ.
ARPAGÔNG: Nhiều lần rồi chứ?
CLÊAN: So với thời gian, thì cũng khá gọi là nhiều.
ARPAGÔNG: Anh có được tiếp đãi tử tế không?
CLÊAN: Tử tế lắm ạ, nhưng người ta vẫn không biết con là ai, vì thế nên lúc nãy Marian đã bị ngạc nhiên.
ARPAGÔNG: Anh có thổ lộ tâm tình với cô ấy, và có tuyên bố ý định cưới xin rồi chứ?
CLÊAN: Dĩ nhiên là có, và con cũng đã ngỏ ý qua với bà mẹ rồi.
ARPAGÔNG: Thế anh ngỏ ý cầu hôn, bà cụ có để tai nghe anh không?
CLÊAN: Có ạ, và rất niềm nở.
ARPAGÔNG: Thế cô con có mặn mà đáp lại tình yêu của anh không?
CLÊAN: Cứ xét những biểu hiện bề ngoài, thì thưa cha, con tin chắc rằng cô ấy đối với con cũng có đôi chút ân cần.
ARPAGÔNG:(Nói nhỏ riêng) Mình được biết cái chuyện kín này, thật là khoái; đúng là điều mình muốn dò hỏi (nói to) – ớ này, ông con của tôi ơi, ông có biết là thế nào không? Là xin ông làm ơn liệu mà dứt bỏ mới tơ tình đó đi, liệu mà thôi những trò đeo đuổi một con người mà tôi sắp hỏi cưới cho tôi, và ít ngày nữa, liệu mà lấy cái người mà tôi hỏi cho ông.
CLÊAN: À, thì ra cha đánh lừa con như thế đấy! Được, đã đến đến nước này, thì con, con xin tuyên bố với cha là con sẽ không đời nào gạt bỏ mối tình của con với Marian; rằng không có trò liều lĩnh nào mà con không dám đâm đầu vào để tranh giành với cha, chinh phục cô ấy cho kỳ được, và nếu cha cậy là có được sự ưng thuận của bà mẹ, thì có thể là con cũng sẽ có những người hỗ trợ khác, họ sẽ tranh đấu cho con.
ARPAGÔNG: Thế nào, thằng chết treo kia! Mày dám cả gan định hớt tay trên của tao à!
CLÊAN: Chính cha định hớt tay trên của con thì có, vì con là người đến trước.
ARPAGÔNG: Tao không phải là cha mày à? Mày không có bổn phận phải kính nể cha à?
CLÊAN: Đây không phải là những chuyện mà con cái bắt buộc phải nhường bố, và tình yêu chẳng biết nể mặt ai cả.
ARPAGÔNG: Để tao cho mày một trận đòn nên thân, cho mày biết nể cái mặt tao.
CLÊAN: Tất cả những nạt nộ của cha đều vô ích.
ARPAGÔNG: Mày phải dứt bỏ Marian.
CLÊAN:Không đời nào.
ARPAGÔNG: Chúng bay đem ngay cho tao một cái gậy đây.
(Trích Lão hà tiện(*), Môlie, Kiệt tác sân khấu thế giới, NXB Sân khấu, 2006, tr. 74-76)
(*) Lão hà tiện là một vở kịch nổi tiếng của Molie xoay quanh nhân vật chính là Arpagông, một lão già cực kỳ keo kiệt và bị ám ảnh bởi tiền bạc. Cốt truyện kể về cuộc sống của Arpagông cùng hai người con là Clêan và Élise, khi lão cố gắng sắp đặt hôn nhân cho họ để thu lợi cho bản thân, đồng thời muốn cưới cô gái trẻ Marian mà Clêan – con trai lão – cũng đem lòng yêu.
Đoạn hội thoại giữa Arpagông và Clêan ở hồi thứ 4 là một cảnh căng thẳng, nơi hai cha con đối đầu nhau về tình yêu và tiền bạc.
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định hình thức lời thoại chủ yếu trong văn bản.
Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra tình huống gây cười trong đoạn trích.
Câu 3. (1,0 điểm) Nêu tác dụng của một thủ pháp gây cười trong đoạn trích.
Câu 4. (1,0 điểm) Trình bày đặc điểm ngôn ngữ nói trong đoạn văn sau:
ARPAGÔNG: Thế nào, thằng chết treo kia! Mày dám cả gan định hớt tay trên của tao à!
CLÊAN: Chính cha định hớt tay trên của con thì có, vì con là người đến trước.
ARPAGÔNG: Tao không phải là cha mày à? Mày không có bổn phận phải kính nể cha à?
Câu 5. (1,0 điểm) Trong văn bản nhân vật Clêan nói: “Đây không phải là những chuyện mà con cái bắt buộc phải nhường bố, và tình yêu chẳng biết nể mặt ai cả”. Em có đồng tình với quan điểm của Clêan không? Vì sao?
Gợi ý trả lời Đọc hiểu kịch Đọc văn bản sau
Câu 1: Hình thức lời thoại chủ yếu trong đoạn trích trên: đối thoại
Câu 2: Tình huống gây cười trong đoạn trích: Arpagông hỏi thăm về Marian – người yêu con trai mình, nhưng lại đưa ra quyết định lấy Marian làm vợ.
Câu 3: Tác dụng của một thủ pháp gây cười trong văn bản.
– Thủ pháp gây cười: tạo tình huống, phóng đại cử chỉ điệu bộ, ngôn ngữ trào phúng…(HS chọn một thủ pháp gây cười)
– Tác dụng:
+ Khắc hoạ tính cách ích kỉ, toan tính của nhân vật Arpagông.
+ Tạo tình huống oái oăm, trớ trêu, thúc đẩy xung đột kịch; tạo sự hài hước, thú vị cho đoạn trích.
Câu 4: Đặc điểm ngôn ngữ nói:
– Có sự luân phiên người nói và người nghe.
– Sử dụng các từ ngữ khẩu ngữ, tình thái từ: thằng chết treo, cả gan, hớt tay trên, à, kìa.
Câu 5: Học sinh nêu quan niệm của cá nhân, có lí giải phù hợp (có thể theo hướng đồng tình hoặc không đồng tình).
Tham khảo thêm:
Định hướng Ôn thi tốt nghiệp THPTQG môn Ngữ Văn năm 2025
Cấu trúc, ma trận đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2025
Các dạng Câu hỏi đọc hiểu văn bản theo chương trình mới 2025
Tải tài liệu ôn thi môn ngữ Văn THPTQG
Với nội dung Đọc hiểu văn bản kịch: Hồi thứ tư – Lớp 3 – ARPAGÔNG – CLÊAN kèm tài liệu mà Onthidgnl chia sẻ ở trên. Hy vọng sẽ giúp các em có sự chuẩn bị tốt để ôn thi THPTQG môn ngữ văn sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao cho kỳ thi tuyển sinh nhé.
Theo dõi MXH của Onthidgnl nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom