Các dạng câu hỏi đọc hiểu văn bản theo chương trình mới là điều khiến các em học sinh phải lưu ý! Chúng không chỉ giúp các bạn nắm bắt nội dung mà còn có ý nghĩa cho các em có sự chuẩn bị thật tốt cho để ôn thi môn ngữ văn THPTQG năm 2025 được tốt. Hãy cùng tìm hiểu một số dạng câu hỏi chính nhé! Chúc các em ôn thi thật tốt.
Mục lục
Các dạng câu hỏi theo mức độ nhận thức
Mức độ Nhận biết (2 câu) (0,5 điểm/ 1 câu = 1 điểm
– Nhận biết thể loại của văn bản.
– Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
– Chỉ ra sự kết hợp của các phương thức biểu đạt.
– Nhận biết các đơn vị ngôn ngữ như ngữ âm, từ loại, biện pháp tu từ, các kiểu câu,… trong văn bản.
– Nhận biết đề tài và nhân vật chính trong một văn bản văn học.
– Nhận biết một số đặc điểm của thể loại truyện truyền kì trong văn bản.
– Nhận biết đặc điểm nổi bật của thơ trữ tình hiện đại được thể hiện trong văn bản.
– Chỉ ra một yếu tố biểu tượng, tượng trưng, siêu thực trong một văn bản thơ.
– Nhận biết nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, chủ thể trữ tình trong văn bản thơ.
– Chỉ ra nhân vật thể hiện rõ nhất đặc điểm của nhân vật hài kịch trong văn bản.
– Nhận biết và chỉ ra tình huống hài kịch trong văn bản.
– Chỉ ra một số biểu hiện về tính hư cấu và phi hư cấu trong văn bản truyện kí.
– Nêu ra một số đặc điểm của thể phóng sự trong văn bản.
– Nhận biết một số biểu hiện của tỉnh trữ tình trong văn bản tuỳ bút.
– Nhận biết ngôi kể, người kể chuyện, điểm nhìn trong văn bản.
– Dẫn ra ví dụ về lời người kể chuyện, lời nhân vật, lời độc thoại, lời đối thoại,… trong văn bản.
– Chỉ ra một số biểu hiện của phong cách cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn của văn bản.
– Nhận biết được quan điểm của người viết về lịch sử, văn hoá,… được thể hiện trong văn bản.
Mức độ Thông hiểu (2 câu) (1điểm/1câu = 2 điểm
– Đánh giá vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì. Biết liên hệ vai trò của yếu tố này trong truyện cổ dân gian.
– Giải thích đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại qua một số yếu tố tiêu biểu.
– Nêu tác dụng của một số yếu tố trong thơ trữ tình hiện đại như ngôn ngữ, hình tượng, biểu tượng, yếu tố tượng trưng, siêu thực,…
– Nhận xét vai trò của một số yếu tố trong hài kịch như ngôn ngữ, xung đột, hành động, nhân vật, kết cấu, tình huống, thủ pháp trào phúng….
– Giải thích được một số đặc điểm của phóng sự, nhật kí hoặc hồi kí qua một số yếu tố như tính phi hư cấu và một số thủ pháp nghệ thuật như miêu tả, trần thuật; sự kết hợp chi tiết, sự kiện hiện thực với trải nghiệm, thái độ và đánh giá của người viết,…
– Chỉ ra/phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ có trong văn bản.
– Nêu tác dụng của các từ ngữ, câu văn, hình ảnh độc đáo trong văn bản. Giải thích ý nghĩa nhan đề văn bản.
– Nêu vai trò của các chi tiết, sự kiện, nhân vật tiêu biểu trong văn bản.
– Nhận xét sự phù hợp của người kể chuyện, điểm nhìn trong việc thể hiện chủ đề của văn bản.
– Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.
– Nêu giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ có trong văn bản.
– Phát hiện các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản.
– Nhận xét sự phù hợp giữa chủ đề, tư tưởng và cảm hứng chủ đạo trong văn bản.
Mức độ Vận dụng (1 câu) (1 điểm)
– Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử để hiểu nội dung thông điệp của văn bản.
– Vận dụng những kiến thức về tác giả, tác phẩm để hiểu văn bản.
– Phân tích và đánh giá khả năng tác động của tác phẩm văn học đối với người đọc và tiến bộ xã hội.
– Vận dụng những hiểu biết về tiếng Việt để hiểu văn bản.
– Vận dụng kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và kiến thức văn học để đánh giá, phê bình văn bản văn học, thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân về văn bản văn học.
– Nêu bài học hoặc ảnh hưởng của văn bản đối với cá nhân người đọc.
– Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 10 dòng) ghi lại cảm xúc hoặc sự yêu thích của cá nhân về một chi tiết, câu chữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật,… của văn bản.
– Liên hệ, so sánh với một văn bản khác đã học hoặc đã đọc.
– Trình bày tóm tắt nội dung văn bản bằng một sơ đồ.
– Nêu ấn tượng của cá nhân về một ảnh minh hoạ trong văn bản, đề xuất nội dung minh hoạ khác,…
Cách thức xây dựng câu hỏi
BƯỚC 1: Đọc kĩ, xác định đúng kiểu/loại văn bản
Mục đích của văn bản văn học là bộc lộ, thổ lộ, giãi bày cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của người viết (nhà văn, nhà thơ) trước một đối tượng nào đó trong cuộc sống.
– Truyện có các tiểu loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, sử thi, truyện thơ,…), truyện truyền ki, truyện thơ Nôm, truyện trinh thám, truyện khoa học viễn tưởng….
– Thơ gồm có thơ lục bát; thơ bốn, năm, sáu, bảy, tám chữ; thơ Đường luật (tứ tuyệt, thất ngôn bát cú); thơ tự do; thơ văn xuôi;… Ngoài ra, người ta còn phân loại thơ theo tính chất như thơ có yếu tố tự sự, miêu tả; thơ có yếu tố tượng trưng, siêu thực;… thơ ca dân gian; thơ trung đại; thơ hiện đại,…
– Kí có các tiểu loại như tuỳ bút, phóng sự, tản văn, hồi kí, nhật kí, bút kí,…
– Kịch có bi kịch, hài kịch, kịch dân gian (tuồng, chèo,…).
Mỗi thể loại đều có đặc điểm riêng, có những thể loại HS dễ nhận ra như các thể thơ, văn bản kịch, nhưng có thể loại khó nhận biết hơn như truyện và kí vị đều là văn xuôi. Trong trường hợp đó, các em cần căn cứ vào đặc điểm riêng của mỗi loại.
Ví dụ:
Đặc điểm của truyện là tính hư cấu, tưởng tượng, thưởng có cốt truyện (mở đầu, phát triển và kết thúc), có nhân vật và sự việc, có bối cảnh (không gian, thời gian)…
– Đặc điểm của kí là tính phi hư cấu (sự việc, nhân vật có thật); tính trữ tình khá đậm nét thể hiện ở cái tôi người viết và ngôn ngữ giàu chất thơ, vấn đề trong ki giàu ý nghĩa thời sự,….
* Khi đọc văn bản, các em cần chú ý đặc điểm riêng thuộc các thể loại khác nhau:
– Đọc truyện cần chú ý các đặc trưng tự sự: cốt truyện, tình huống, nhân vật, chi tiết, điểm nhìn, lời văn trần thuật và các bút pháp nghệ thuật gắn với từng tiểu loại của văn bản như truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thần thoại, truyện truyền kì, truyện thơ Nôm,… Thông qua các yếu tố hình thức trên để hiểu thông điệp, nội dung, tư tưởng của truyện.
– Đọc thơ cần chú ý các nét đặc trưng trữ tình như mạch cảm xúc, cảm hứng trữ tỉnh; cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, khổ thơ, vần, nhịp, cấu tứ, hình ảnh, các biện pháp tu từ, ngôn ngữ,… gắn với mỗi tiểu loại (thơ Đường luật, thơ tự do, thơ lục bát,…). Từ các yếu tố hình thức này để hiểu tình cảm, cảm xúc chủ đạo và thông điệp tư tưởng của tác giả qua văn bản thơ.
– Đọc văn bản kí cần chú ý tính xác thực và cái “tôi” của tác giả; màu sắc trữ tình, ngôn ngữ giàu chất thơ, ngôi kể, điểm nhìn, các thủ pháp nghệ thuật gắn với mỗi tiều loại của ki (tuỳ bút, tản văn, phóng sự, hồi kí, bút kí, truyện ki,…) và dấu ấn cá nhân của người viết,… Thông qua hình thức văn bản mà hiểu được thái độ, tình cảm, tư tưởng của tác giả và ý nghĩa xã hội của các vấn đề văn bản kí nêu lên,…
– Đọc văn bản kịch cần chú ý cách trình bày (hồi, mục, cảnh, hệ thống nhân vật, lời thoại và các chỉ dẫn nghệ thuật,…), nội dung, tư tưởng; cách tổ chức mâu thuẫn, xung đột và giải quyết vấn đề; các biện pháp nghệ thuật gắn với đặc điểm của mỗi tiểu loại (hài kịch, bi kịch);… Từ đó để hiểu được nội dung, tư tưởng, thái độ của tác giả, cũng như ý nghĩa xã hội và tác động của các vấn đề mà văn bản kịch nêu lên.
BƯỚC 2: Xác định tính chất của loại câu hỏi: nhận biết, thông hiểu hay vận dụng
NHẬN BIẾT
– Nhận biết nghĩa là nhận ra được sự vật, hiện tượng, trả lời được câu hỏi: Nó là gì?
– Mức nhận biết thường xoay quanh các yêu cầu nhận diện các yếu tố hình thức bề nổi của văn bản. Mức độ nhận biết các loại, kiểu văn bản được thông qua nhiều dạng câu hỏi khác nhau.
– Câu trả lời cũng không cần nêu chính xác định nghĩa, khái niệm mà chỉ cần miêu tả, giới thiệu đúng đặc điểm của sự vật, hiện tượng, và quan trọng hơn là nhận ra được sự vật, hiện tượng ấy trong thực tế.
Ví dụ: Đề yêu cầu xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích thì HS không phải nêu định nghĩa về biện pháp tu từ mà chỉ cần xác định, gọi tên đó là biện pháp nào.
THÔNG HIỂU
– Thông hiểu nghĩa là nắm được bản chất của sự vật, hiện tượng (thường phải suy luận, không tìm thấy trực tiếp câu trả lời trong văn bản).
– Một số yêu cầu thường gặp về thông hiểu như khái quát chủ đề, nội dung chính, vấn đề chính mà văn bản đề cập, nêu cách hiểu về một hoặc một số câu văn trong văn bản, hiểu được quan điểm, tư tưởng của tác giả, hiểu được ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của việc sử dụng thể loại, phương thức biểu đạt, từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, biện pháp tu từ,… trong văn bản, hiểu được một số nét đặc sắc về nghệ thuật theo đặc trưng thể loại (thơ, truyện, kịch, kí,…) hoặc một số nét đặc sắc về nội dung của văn bản.
– Để đánh giá mức độ thông hiểu, người ta thường yêu cầu trả lời câu hỏi: Thế nào?, Là gì? hoặc Tại sao?, Vì sao?,… Để trả lời các câu hỏi này, HS phải lí giải và lập luận để chứng minh rằng cách hiểu của mình là có cơ sở chứ không phải chỉ là đoán mò, nhớ máy móc, hình thức.
– Tuy nhiên, hình thức đánh giá mức độ thông hiểu của HS rất đa dạng, không phải chỉ hỏi khái quát như trên mà có thể kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau
VẬN DỤNG
– Vận dụng: Trong môn Ngữ văn, vận dụng chính là biết thực hành tạo lập trong giao tiếp (nói, viết). Vận dụng là để đánh giá khả năng vận dụng của HS, có thể yêu cầu như: nhận xét, đánh giá về tư tưởng, quan điểm, tình cảm, thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản; nhận xét về một giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản; rút ra bài học về tư tưởng, nhận thức, thông điệp cho bản thân,…
– Vận dụng cao là mức độ cao hơn vận dụng, chỉ độ khó của yêu cầu thực hành tổng hợp, kết hợp cả kĩ năng đọc hiểu và viết; đòi hỏi phải có sự sáng tạo, phải vận dụng được khả năng phân tích, tổng hợp để rút ra những kết luận, nhận xét, đánh giá theo quan điểm của mình. Hình thức đánh giá mức độ vận dụng cao chủ yếu là yêu cầu HS viết đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh.
BƯỚC 3 Lựa chọn lệnh hỏi phù hợp
– Câu hỏi đọc hiểu thường yêu cầu HS trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, không diễn đạt dài dòng,..
– Lệnh hỏi vì thế phải rõ ràng, khu biệt được các ý cần trả lời, khai thác.
Ví dụ minh họa
Tham khảo:
Đọc hiểu Cái chúc thư của người còn sống
Đọc hiểu văn bản Những bông hoa trên cát | Hoàng Vũ Thuật
Đọc hiểu văn bản kịch: Hồi thứ tư – Lớp 3 – Arpagông – Clêan
Đọc hiểu văn bản kí: Trích Hà Nội của Cẩm Thơ – Chu Cẩm Thơ
Tải tài liệu ôn thi môn ngữ Văn THPTQG
Với nội dung Các dạng Câu hỏi đọc hiểu văn bản theo chương trình mới kèm tài liệu mà Onthidgnl chia sẻ ở trên. Hy vọng sẽ giúp các em có sự chuẩn bị tốt để ôn thi THPTQG môn ngữ văn sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao cho kỳ thi tuyển sinh nhé.
Theo dõi MXH của Onthidgnl nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom