Cùng tham khảo nội dung về Nghị luận Phân tích nhân vật người cha trong truyện ngắn Bạn nhậu cũ được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm Nghị luận phân tích đánh giá tác phẩm truyện chia sẻ trước đó để ôn tập môn ngữ văn THPTQG được tốt. Các em tham khảo để có kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học 600 chữ đạt điểm cao nhé.
Mục lục
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích nhân vật người cha trong truyện ngắn sau đây:
[…] Ngày xưa, cứ năm ba bữa hắn lại chở cha đi nhậu. Đó là những bữa hắn bỏ rơi đám bạn bè mà không đứa nào dám giận, có đứa còn ngồi tấm tắc, ước gì tao còn ông già, đứa khác nghe lòng thẹn thùa, lâu rồi mình không về thăm, ăn một bữa cơm với ba. […] Nên hắn được bạn thương lắm, nể nhiều, tụi nó tò mò theo hỏi: “Nhậu với ông già, vui hôn mậy?”.
Hắn nói vui, vui lắm, ít ai kiếm được một ông bạn nhậu quý như vậy. Khi đi hắn chở cha, lúc về, cha sợ hắn say, nên cha giành chở. Ngồi lâu nhưng uống không nhiều. Cha hắn thường bảo, uống ít còn nhiều, còn bạn bè, còn tự chủ, còn nhân cách, còn là mình, uống nhiều mất hết. Rượu bia là thứ để thưởng thức chứ không phải nốc vô tội vạ để khoe tài. Cái thức uống này là để rạng rỡ lòng chứ không phải tiêu sầu. Nên hắn vô chừng hai ly là có thể nói chuyện cởi mở với cha như một người bạn đồng niên. Có bữa, hắn ngà ngà say nên nổi hứng đọc bài thơ con cóc, cha cười, “vậy là cha biết làm sao con thích la cà quán nhậu rồi, để hứa hẹn như đinh đóng cột với mọi người cái chuyện mình không bao giờ làm được, gõ cái chén ca bằng cái giọng tệ… không chịu được, nói cho hả hê những ấm ức trong lòng… tất cả những chuyện đó, lúc tỉnh, con không bao giờ làm”. Hắn cũng cười, “Nhậu cũng khổ lắm cha ơi, đầu tháng có tiền, nhậu toàn món sang. Cuối tháng, còn chừng mười ngàn trong túi đành ngồi nhậu với đậu phộng luộc, cá khoai khô. Lúc nầy kể ra thì xấu hổ đây, đi ngang quán quen chạy thiệt chậm coi có thằng bạn nào ngoắc lại không, ngoắc nhẹ mình tự ái chạy luôn, ngoắc mạnh mình ghé lại, tình bạn nhiệt thành vậy, con phụ sao đành”. Cha cười ha ha, cái thằng…
Hắn giống cha, giống nhất là nhiều râu. Râu cha xồm xoàm, cứng tua tủa, ngả màu bạc, râu con cạo sạch nhưng vẫn xanh rì dưới làn da. Hắn càng uống càng đỏ mặt, cha càng uống càng xanh. Hắn nói với cha về những khó khăn trong công việc, về con bạn hắn thương sắp lấy chồng (đặc biệt chuyện này lúc tỉnh dễ gì hắn mở miệng), cha ờ ờ, hồi trẻ, cha cũng bị thất tình hoài. Hắn ngạc nhiên, “cha nói chơi, “cứng” như cha, từng vào sinh ra tử với quân thù, cũng biết cảm giác nẫu ruột khi mất người yêu như đám thanh niên bây giờ sao?”. Tự nhiên hắn thấy giữa mình và cha hình như không còn khoảng cách nào hết, vì có thể nói và nghe nhau. Có lần, hắn còn kêu cha lấy vợ đi, lấy cô giáo già thương cha hoài, chờ cha hoài đó. Cha cười, “cha già rồi”. Hắn gạt ngang, “Già đâu mà già, cha còn “ngon” lắm, lần nào cha con mình nhậu con cũng say trước…”. Cha hắn bật cười, cái thằng uống rượu như xe bồn mà dám giả đò say. Nhưng có điều chắc cha chưa biết, hắn làm vậy để được cha che chở, dìu dắt như ngày còn bé. Đàn ông lớn xác vậy nhưng đôi lúc vẫn thèm, đời ngoài kia trần trụi và khốc liệt quá mà…
Rồi một ngày, hắn đến quán một mình, ngồi chỗ cũ, gần song cửa đóng bằng thẻ tre bù xè đã ăn thủng lỗ chỗ, phấn rắc lấm tấm mặt bàn. Hắn đòi hai cái ly, một dĩa đậu phộng rang, run rẩy rót rượu tràn ra bàn rồi đau đáu nhìn về chiếc ghế trống trước mặt. Cha hắn đi rồi, đi xa lắm…
(Bạn nhậu cũ, Nguyễn Ngọc Tư(*), nguồn: http://isach.info/)
Chú thích:
(*) Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Ngọc Tư sáng tác thành công ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết,… Văn của Nguyễn Ngọc Tư trong sáng, mộc mạc, thể hiện tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương.
Các bước làm bài
Bước 1. Chuẩn bị viết: Đọc kỹ đề và xác định các yêu cầu của đề
– Vấn đề nghị luận: Phân tích nhân vật người cha trong truyện ngắn “Bạn nhậu cũ” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư.
– Thao tác lập luận cần sử dụng: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
– Phạm vi dẫn chứng: Trong tác phẩm
– Thu thập tư liệu.
Bước 2. Tìm ý, lập dàn ý
* Tìm ý: Xác lập các luận điểm bằng cách trả lời các câu hỏi:
– Nhân vật đóng vai trò gì trong tác phẩm?
– Nhân vật được thể hiện quan những chi tiết nào? (Về ngoại hình, lời nói, hành động, suy nghĩ, mối quan hệ với các nhân vật khác,…)
– Qua đó nhân vật thể hiện những nét tính cách nào?
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật ?
* Lập dàn ý
Phân bố các ý tìm được vào từng phần của bài viết theo gợi ý sau:
** Mở bài:
Giới thiệu tác giả Nguyễn Ngọc Tư, tác phẩm“Bạn nhậu cũ” và hình tượng nhân vật người cha trong tác phẩm.
** Thân bài
– Luận điểm 1: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm; khái quát vấn đề nghị luận: Hình tượng người cha trong tác phẩm thể hiện qua một khía cạnh đặc biệt: Vừa là cha, vừa là bạn nhậu, từ đó thể hiện sự đồng cảm thấu hiểu của hai cha con.
– Luận điểm 2: Cảm nhận về hình ảnh người cha trong đoạn trích.
+ Ấn tượng về sự xuất hiện của nhân vật: Khá đặc biệt, không được giới thiệu trực tiếp qua tên, họ, nghề nghiệp,…cụ thể, rõ ràng như trong nhiều tác phẩm khác mà hiện lên qua lời kể về những cuộc nhậu giữa nhân vật hắn và cha. Tuy vậy, những lời văn chân thực, thấm đẫm màu sắc yêu thương của Nguyễn Ngọc Tư giúp người đọc có những hình dung nhất định về nhân vật người cha, đặc biệt là những phẩm chất đáng quý của ông.
+ Những vẻ đẹp phẩm chất của người cha thể hiện trong văn bản: Một người cha tâm lý; Người ta sẵn sàng ngồi hàng giờ để lắng nghe con trai của mình tâm sự; Một người cha hết mực yêu thương con.
– Luận điểm 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Cốt truyện đơn giản, giọng văn nhẹ nhàng, mộc mạc, giản dị, đậm màu sắc Nam Bộ, nhân vật được miêu tả tinh tế từ hành động, cử chỉ đến suy nghĩ cảm xúc.
– Luận điểm 4: Đánh giá ý nghĩa, vai trò của nhân vật trong tác phẩm.
Nhân vật thể hiện tư tưởng, tình cảm của nhà văn: Coi trọng tình cảm gia đình.
** Kết bài: Khẳng định đóng góp của nhân vật trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng tác phẩm.
Bước 3. Viết
– Các luận điểm triển khai ở thân bài cần tập trung vào đặc điểm của nhân vật.
– Trật tự các luận điểm có thể linh hoạt.
– Mỗi luận điểm của bài viết cần được làm sáng tỏ bằng các chi tiết, bằng chứng cụ thể từ tác phẩm truyện. Tránh phân tích đánh giá chung chung.
– Thể hiện ý kiến đánh giá riêng của người viết về nhân vật.
– Khi dẫn các ý kiến phân tích đánh giá của người khác cần ghi rõ nguồn.
– Viết xong đọc lại, chính sửa lỗi và rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Bước 4. Chỉnh sửa và hoàn thiện
– Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:
+ Kiểm tra về nội dung và hình thức của bài viết
+ Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa
+ Tự đánh giá kết quả viết
– Việc kiểm tra, chỉnh sửa cần chú ý các yêu cầu sau đây:
Phương diện kiểm tra, đánh giá
Nội dung
+ Mở bài: Có giới thiệu khái quát nội dung bài viết không?
+ Thân bài:
++ Đã nêu được các nội dung cụ thể làm rõ cho nội dung khái quát đã nêu ở mở bài chưa?
++ Bài viết đã đủ ý chưa? Các ý có phù hợp với vấn đề nghị luận và luận điểm không?
++ Nội dung cụ thể: Lí lẽ và dẫn chứng co phù hợp không?
+ Kết bài: Đã tổng hợp và gợi mở được vấn đề cần bàn luận trong bài chưa?
Hình thức
+ Bài viết có đủ ba phần và nội dung các phần có cân đối không?
+ Đã kết hợp được các phương thức biểu đạt và các thao tác nghị luận trong khi viết hay chưa?
+ Bài viết còn mắc những lỗi nào (dùng từ, đặt câu, chính tả,…)?
Tự đánh giá
+ Mức độ đáp ứng yêu cầu mà bài viết đã đạt được?
+ Em thấy hứng thú và khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?
Xem thêm:
Hướng dẫn viết bài nghị luận văn học 600 chữ
Hướng dẫn viết mở bài nghị luận Văn học
Kỹ năng viết đoạn văn nghị luận văn học
60 Mẫu mở bài nghị luận xã hội và hướng dẫn viết mở bài NLXH
…
Hy vọng bài viết “Phân tích nhân vật người cha trong truyện ngắn Bạn nhậu cũ”… này sẽ là nguồn tài liệu giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức và tự tin làm bài hơn trong môn ngữ văn ôn thi THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7