Sau đây, Onthidgnl sẽ chia sẻ nội dung Phân tích Bức tranh ra trận khổ 8 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu . Cùng tham khảo nhé!
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
Cảm nhận Bức tranh tra quân của khổ thơ trên.
Mục lục
Luận điểm cần nắm
Luận Điểm 1
Tố Hữu là nhà thơ lớn, là người tiên phong của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, thơ ông luôn gắn bó với những chặng đường cách mạng của dân tộc. Với phong cách thơ mang tính trữ tình chính trị sâu sắc, ông hướng đến những cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của dân tộc. Vì vậy, cái ta trong thơ ông luôn nhân danh Đảng, cộng đồng, nhân dân, tạo nên những vần thơ vừa giàu nhạc điệu lại vừa mang tính sử thi, tính dân tộc đậm đà, xuất phát từ một trái tim son sắt thủy chung với non nước Việt Nam. Trong hành trình sáng tác ấy, “Việt Bắc” đã trở thành một trong những bài thơ hay nhất của “Cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam”. Sau chiến thắng Điện Biên phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lặp lại, một trang sử mới của đất nước và một giai đoạn mới của các mạng được mở ra. Tháng 10-1954, các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính Phủ rời chiến khu Việt Bắc – nơi đã che chở nuôi dưỡng cách mạng suốt mười lăm năm trường kỳ chống thực dân Pháp trở về Hà Nội. Cuộc sống thay đổi có tính chất bước ngoặt, từ chiến tranh sang hòa bình, từ rừng núi về thành thị: “người ra đi không khỏi bâng khuâng thương nhớ, người ở lại cũng không khỏi bịn rịn, trống trải, bùi ngùi … Nhân sự kiện có tính chất lịch sử ấy, Tố Hữu – một nhà thơ lớn của dân tộc đã cho ra đời tập thơ “Việt Bắc” (1946- 1954) Đoạn trích nằm ở phần ở phần cuối tác phẩm đã thể hiện niềm vui chiến thắng của quân và dân ta trong những ngày kháng chiến nhưng rất đỗi anh dũng, hào hùng. Thành công ấy đã đưa “ Việt Bắc” trở thành “một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của thơ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp”:
“Ta yêu những dòng sông Việt Bắc
Đã bao lần tiễn bước quân đi
Đã bao lần đục ngầu máu giặc
Những bờ sông kể chuyện thầm thì”
(Quê hương Việt Bắc – Nguyễn Đình Thi)
Luận điểm 2:
Nếu như trong “Quê hương Việt Bắc” đã từng có một Nguyễn Đình Thi dành trọn lòng mình cho những dòng sông của “thủ đô kháng chiến”, không ngần ngại sục sôi máu lửa nhìn thẳng vào quân thù thì trong tác phẩm “Việt Bắc” lại có một nhà thơ – một người cán bộ cách mạng đã tái hiện cụ thể lại bức tranh ra trận của toàn quân, toàn dân đang đồng hành cùng thiên nhiên trên mọi nẻo đường:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng”
Nhà thơ gợi lại những kỉ niệm ở chiến khu Việt Bắc, khi người đi – kẻ ở đã cùng nhau kề vai sát cánh, cùng nhau chiến đấu trong sự bao bọc của thiên thiên. Đại từ “ta” không còn chỉ riêng kẻ ở hay người đi, bởi “ta” ở đây đại diện cho “chúng ta”, cho sự đoàn kết đồng lòng, tạo dựng một tầm vóc sử thi nổi bật cho đoạn thơ. “Ta” bao gồm kẻ ở, người đi và chính cả thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. “Rừng cây núi đá” luôn là tấm chắn vững chắc, tạo nên ưu thế cho bộ đội ta giành thắng lợi. Đứng trước cánh rừng đại ngàn mênh mông, quân thù phải lùi bước, phải e sợ, dè chừng bởi thiên nhiên và con người đất Việt luôn đồng lòng, đoàn kết trọn vẹn. Đó chính là sự ưu ái lớn mà rừng cây Việt Bắc mang đến, ta nắm trọn địa hình, hiểu rõ từng tuyến đường để đưa ra chiến lược phù hợp, đúng đắn nhất. Hơn thế nữa, nhà thơ kết hợp cùng phép nhân hóa khiến cho sự vật vô tri vô giác trở nên có hồn. Từng cành cây, hòn đá cũng góp một phần không nhỏ cho chiến thắng mai sau, biến thiên nhiên thành một lực lượng kháng chiến, thể hiện tình đoàn kết đặc biệt giữa thiên nhiên và con người. Trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, thiên nhiên Việt Bắc có trong những bữa ăn đơn sơ như trám bùi, măng mai, củ khoai, củ sắn; còn trong chiến tranh, thiên nhiên như mang tính chất quả cảm của con người Việt Nam “che bộ đội” và “vây quân thù”, luôn có mặt khi đất nước hiểm nguy, tất cả đều một lòng cùng chung mục tiêu quyết chiến quyết thắng, giành lại độc lập cho dân tộc. Sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người trong thơ Tố Hữu khiến ta nhớ đến những vần thơ của của Nguyễn Đình Thi khi ông ca ngợi đất nước. Hình ảnh “trời xanh”, “núi rừng” đều là của “chúng ta” – những con người một lòng hướng về tổ quốc:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất”
Luận điểm 3:
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Tiếp nối những vần thơ chung lòng, chung sức của thiên nhiên và con người Việt Bắc, thi nhân bộc lộ niềm tha thiết trong nỗi nhớ khi lần lượt điểm tên những địa danh lịch sử vẻ vang một thời:
“Ai về ai có nhớ không ?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng.
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.”
Điệp từ “nhớ” phủ tràn từng vần thơ, bộc lộ niềm riêng khắc khoải của thi nhân khi điểm qua từng chặng đường trong kí ức. Phép liệt kê Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng, Cao – Lạng, Nhị Hà… đều là những địa điểm mà họ đã gắn bó không ít lần đã đến rồi đi, là những cứ điểm kháng chiến quan trọng với mỗi người cán bộ sẽ không thể nào quên. Trả lời cho câu hỏi “ai có nhớ không?” chính là lời đáp thiết tha, chắc nịch: “ta về ta nhớ”, bởi Tố Hữu đã mượn thơ để nói hộ tiếng lòng mình, gói gọn cả một thời đại thơ Cách mạng cao đẹp.
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng vô cùng ngưỡng mộ mỗi khi nhắc về Tố Hữu: “Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cùng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn, thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ”. Quả thực, Tố Hữu không đi sâu vào tình cảm cá nhân riêng lẻ, mà ngược lại, thơ ông là thứ tình cảm “có nhiều máu huyết hơn” luôn hướng về toàn dân tộc. Tình cảm ấy hòa vào vẫn thơ “Việt Bắc” tạo nên khí thế ngút trời của quân và dân ta trong tư thế tiến công, chiến thắng, trong khí thế thần tốc, anh dũng, hào hùng tiến lên phía trước.
Luận điểm 4:
“Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Tình yêu sâu nặng tha thiết dành cho đất nước là những gì Tố Hữu mang theo ở tuổi được cách mạng soi sáng đến những năm cuối đời, ông vẫn luôn một lòng thủy chung như vậy. Việt Bắc có lẽ là bài thơ rõ nhất cho tình yêu của tác giả. Bằng kỉ niệm đã qua, nhà thơ miêu tả lại hình ảnh đất nước khi kháng chiến anh dũng, cảnh dân và quân ta trong giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi. Những câu thơ đầy sức công phá, mạnh mẽ tạo thành bản hùng ca về cuộc chiến đấu gian khổ mà bất khuất của dân tộc:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
“Trong thơ Tố Hữu, nét nổi bật đáng quý là sự nhất trí. Nhất trí giữa đời sống và nghệ thuật. Nhất trí giữa tình cảm, tư tưởng và hành động. Nhất trí giữa con người với thời đại, với tập thể”. Đó là nhận xét của nhà văn hóa bậc thầy Đặng Thai Mai. “Cái sức mạnh lớn nhất của Tố Hữu chính là quả tim anh. Tố Hữu rất ít làm thơ tình. Nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân. Anh đã nói các vấn đề bằng một trái tim của một người say đắm”. Nhà thơ Pháp Lamáctin từng tâm sự: “Thế nào là thơ?
Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi”. Thơ là “sự giải thoát của lòng tôi” – thơ không chỉ là sản phẩm kì diệu của nghệ thuật ngôn từ mà thơ là phương tiện giao tiếp, bộc bạch tình cảm của người nghệ sĩ với đời, của người nghệ sĩ với thiên nhiên và con người mà mình đã nhìn ngắm và gắn bó. Đến với “Việt bắc”, Tố Hữu đã đặt cả trái tim mình vào đó, nhà thơ đã say đắm hòa quyện với những kỉ niệm, nghĩa tình gắn bó, cùng nỗi nhớ da diết khôn nguôi đối với chiến khu và tạo nên một bản tình ca – cũng là bản hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến hào hùng vĩ đại của dân tộc. Trong bản tình ca – hùng ca ấy, ta bắt gặp một hồn thơ đã sống sâu sắc, trọn vẹn với từng giây phút của cuộc kháng chiến, để rồi “nghìn đêm”, “đêm đêm” dõi theo hành trình của quân và dân ta, tự hào và ngợi ca bằng những vần thơ tình nghĩa.
Mở đầu đoạn thơ, Tố Hữu đã khẳng định chắc nịch một niềm tin và lòng tự hào mãnh liệt dành trọn cho chiến khu Việt Bắc. Câu thơ “Những đường Việt Bắc của ta” là một lời quả quyết hùng tráng, khỏe khoắn, tưởng như một đoàn người trai tráng đang đồng thanh hô ứng thật to khỏe: “Việt Bắc của ta” vậy! Trong kháng chiến chống Pháp, ta nghe tình đồng chí “súng bên súng, đầu sát bên đầu” của Đồng chí, ta thấy chạnh lòng với hình ảnh “anh về đất” của Quang Dũng, rồi kiêu hãnh hiên ngang khi đọc thơ Việt Bắc. Như ai đó đã bảo: trăm ngả, trăm đường hướng về Việt Bắc, trăm nẻo từ Việt Bắc tỏa đi muôn nơi đều là “của ta”. Hai tiếng ấy vang lên thật gần gũi, thân thuộc, giản dị mà thiêng liêng vô cùng. Trong thời điểm ấy, được khẳng định hùng hồn một phần trong đất nước là “của ta” là một hạnh phúc không gì diễn tả được. Đó cũng là niềm tự hào về sự bất khả xâm phạm của vùng căn cứ kháng chiến Việt Bắc – căn cứ địa cách mạng quan trọng của đất nước ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ. Những con đường từng bị chiếm đóng nay cũng trở về là “của ta” – đất của Việt Nam mãi mãi thuộc về người Việt Nam!
5. Luận điểm 5:
Tiếp đến là hình ảnh đoàn binh điệp điệp trùng trùng, hùng hồn và khí thế rợp trời:
“Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”.
Tinh thần đoàn kết dân tộc luôn là phẩm chất tuyệt vời, là cốt cách sáng ngời của người Việt Nam anh hùng. Vì thế, hình ảnh đoàn binh đông đảo càng làm uy lực và khí thế chiến đấu dâng lên gấp bội: Trong không gian đêm tối, quân ta vẫn “rầm rập” đi, khí thế hùng hồn, dữ dội như “đất rung”. Biện pháp so sánh, nhân hóa được sử dụng lột tả được hết tráng chí như vũ bão lúc bấy giờ. Hình ảnh “đất rung” hiện lên như thế sức mạnh bước chân của đoàn quân mạnh mẽ hùng tráng, như không gì có thể cản được, làm lay chuyển trời đất, phá tan mọi giới hạn không gian. Không chỉ là một đêm hành quân “rầm rập” như thế, mà là “đêm đêm”, nghĩa là đêm nào cũng như thế, họ luôn giữ được lý tưởng và sức mạnh bền bỉ mỗi ngày. Câu thơ mang âm hưởng khỏe khoắn, đanh thép, sống động như một cuộc diễu binh. Nhưng chưa dừng lại ở đó, câu thơ tiếp theo: “Quân đi điệp điệp trùng trùng” càng lột tả được khí thế hồ hởi như cơn sóng ào ạt, như thác nước tuôn trào liên tục liên tục, sức mạnh ấy còn thể hiện sự kỷ luật của đoàn binh, dù đêm tối nhưng vẫn giữ được tinh thần kháng chiến hăm hở. Các từ tượng hình “điệp điệp”, “trùng trùng” như thể bước chân của quân ta đang bước dồn dập trên trang sách, hùng vĩ và cao đẹp.
Hình ảnh đoàn binh khí thế ngợp trời ấy đã làm ta trầm trồ, nhưng sẽ càng thán phục hơn khi lắng nghe lý tưởng của họ:
“Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Không còn chỉ là trăng treo nơi đầu súng trong thơ Chính Hữu hay “súng ngửi trời” trong Tây Tiến, mà ở đây, nơi đầu súng có ánh sao của lý tưởng cách mạng soi sáng, có ánh sáng rực rỡ của niềm tin chiến thắng, của hòa bình đang chiếu rọi. Những ngôi sao xuất hiện trong bầu trời đêm để chiếu sáng cho bầu trời, trở thành những vì tinh tú đi vào giấc mơ của mỗi con người. Những ánh sao của Việt Bắc cũng chiếu rọi cả đêm tối của chiến tranh, soi đường dẫn lối cho kháng chiến thắng lợi. Đây là hình ảnh đậm chất lãng mạn, giàu chất thơ trong bài thơ, ánh sao đi cùng với đầu súng, người bạn đi cùng với mũ nan, tất cả đều song hành, đồng lòng đưa dân tộc đến bờ vinh quang, không kẻ thù nào có thể chia cắt được!
Luận điểm 6
Nhưng làm nên chiến thắng không chỉ có những người lính, mà còn có sự đoàn kết đồng lòng của hậu phương, của lực lượng dân công hỏa tuyến cũng hùng hậu không kém:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn Bước chân nát đá muốn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thảm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
Khí thế mạnh mẽ trong đoạn thơ này được bộc lộ rõ nét qua hai hình ảnh song hành: “Quân đi điệp điệp trùng trùng” – “Dân công đỏ đuốc từng đoàn”. Đoàn quân chủ lực và đoàn dân công, từng đoàn nối tiếp nhau, hỗ trợ đắc lực cho cuộc kháng chiến quan trọng này. Hình ảnh “đỏ đuốc từng đoàn” là những đuốc lửa, những đèn pha cứ rực rỡ, thắp sáng cả bầu trời đêm. Từng đoàn với “bước chân nát đá” như bước chân của những “hiệp sĩ, sức mạnh và sức nặng của bước chân có thể làm “nát đá” với “muôn tàn lửa bay”. Hình ảnh “bước chân” được nhân hóa đặc sắc, nhưng cũng mang nhiều ẩn dụ sâu sắc: “đá” tượng trưng cho những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc kháng chiến – bước chân làm “nát đá” nghĩa là bước chân của đoàn binh, của đoàn quân công có đủ sức mạnh để giẫm nát hết những gian nan đó, đó là ý chí, là sức mạnh không gì có thể ngăn trở hay làm lung lay. Hình ảnh này còn gợi nhắc đến thành ngữ “Chân cứng đá mềm” rất quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Thời gian làm việc của lực lượng dân công hỏa tuyến chủ yếu vào ban đêm, trong những tháng ngày cả nước ta cùng tập trung vào trận đánh lớn để quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
Nghìn đêm diễn ra chiến sự ác liệt, trong “thăm thẳm sương dày”, trong đêm tối rét buốt sâu thẳm ấy, đó là những đêm trường nô lệ khiến bao người gian lao. Trong Tây Tiến, Quang Dũng cũng từng nói về sự “thăm thẳm”, nhưng là thăm thẳm của dốc núi khúc khuỷu, hay “sương lấp” giá lạnh; còn với Tố Hữu, sương dày lên từng lớp chồng chất giữa đêm vắng “thăm thẳm” đến rợn người. Nghìn đêm ấy trôi qua, đêm tối được chiếu sáng bởi đèn pha bật sáng của đoàn dân công, hình ảnh này đối lập với hình ảnh ảnh sao chiếu sáng đầu súng, bó đuối đỏ rực của đoàn binh ở trên, và cả hai hình ảnh đều đẹp đẽ lạ thường.
“Như ngày mai lên” chính là sự bộc lộ mạnh mẽ của niềm tin, cảm hứng về một viễn cảnh tươi sáng ở ngày mai. Hình ảnh “nghìn đêm tối” như đòn bẩy càng làm bật lên ánh sáng rực rỡ của con người, của niềm hy vọng mạnh mẽ vào tương lai. “Ánh sáng soi rọi con đường, dẫn lối đến ngày mai. Ngày mai sẽ là ánh sáng, sẽ là độc lập, tự do”.
Luận điểm 7
Nỗ lực, hi sinh cuối cùng đã không phụ lòng người, bao cố gắng của quân dân ta đã được đền đáp trong những chiến thắng dồn dập vào giai đoạn tổng phản công:
“Tin vui thắng trận trăm miền
Hòa bình Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
Ta như nghe tiếng reo ca toàn thắng vọng về từ lịch sử, chiến thắng như trải dài “trăm miền”, từ miền ngược, đến miền xuôi; từ những miền sâu thẳm trong trái tim mỗi người đang hướng về nước Việt. Từ “vui” được điệp lại bốn lần trong suốt bốn câu thơ, niềm vui như lan tỏa ra, như dâng trào lên mãnh liệt và hào sảng. Hơn thế, ở câu thơ đầu này, ta có một từ “vui”, đến câu thơ thứ hai, ta thấy “vui về”, câu thơ thứ ba là “vui từ..” và cuối cùng là “vui lên”. Niềm vui tươi, hồ hởi, mừng rỡ như tăng tiến, như lan rộng, tỏa khắp không gian và thời gian. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng, từ nơi này sang nơi khác, hạnh phúc rực rỡ như ánh sao vàng của đất nước, sáng bừng lên khắp mọi miền. Từng loạt địa danh nối tiếp nhau, dồn dập và rực rỡ như những ánh sao. Tố Hữu, bằng một sự tinh tế nào đó đã khiến câu thơ vẫn cứ đậm đà, đằm thắm dù ông sử dụng biện pháp liệt kê địa danh, tưởng như có thể làm câu thơ khô khan bất cứ lúc nào. Nhưng không, thơ vẫn cứ rất “thơ”, nghe như âm vang từ chiến khu Việt Bắc đổ về với bao sự vỡ òa vậy. Nếu như niềm thương nỗi nhớ trong Tây Tiến với từng địa danh Tây Bắc ùa về trang thơ từng làm ta xót xa và yêu quý vô ngần; thì khi dừng lại bên trang thơ Việt Bắc, ta như nghe tiếng gió đưa tin mừng khắp non sống, trong lòng độc giả cũng thấy niềm vui chiến thắng đang lan tỏa đầy tràn.
Luận điểm 8 – Đánh giá chung:
“Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hưởng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn..” (Lê Đạt). Một câu thơ hay không chỉ dừng ở bề nổi trên trang giấy, giới hạn ở câu từ mà nó sẽ mở rộng tâm hồn, giúp ta có thêm trải nghiệm, ta như được sống một cuộc đời mới và Tố Hữu đã làm được điều khó khăn đó bằng chính quá trình lao động nghiêm túc và miệt mài không ngừng nghỉ của mình. Đoạn thơ kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn mãi về niềm vui chiến thắng của quân ta trong thời kì kháng chiến gian khổ rất hào hùng. Thành công ấy đến từ thể thơ lục bát truyền thống, biện pháp tu từ được vận dụng một cách linh hoạt, triệt để từ so sánh, điệp từ ngữ, liệt kê. Hình ảnh thơ giàu sức sáng tạo, từ ngữ giản dị mộc mạc, giọng điệu hồ hởi vui tươi, liệt kê các địa danh lịch sử mang niềm vui to lớn, lan rộng khắp cuộc kháng chiến đầy tự hào, hiên ngang bất khuất khiến cho nó còn để lại dư âm trong lòng người đọc về tình yêu đất nước với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Nhà thơ đã thành công khi giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chiều dài lịch sử của dân tộc một cách rõ nét khi theo dòng hoàn niệm về con người và thiên nhiên Việt Bắc với khuynh hướng sử thi và khuynh hướng lãng mạn ấn tượng, độc đáo, nghệ thuật và nội dung đan cài, hài hòa đủ để người đọc thấu trọn nỗi niềm, tình yêu của tác giả.
“Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao
(Xuân Diệu)
Bài làm mẫu tham khảo Phân tích Việt Bắc khổ 8
Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc – Những đường Việt Bắc của ta (6 mẫu).pdf
Tải mẫu Phân tích khung cảnh ra trận – TẠI ĐÂY
Nghe podcast tại:
Hy vọng nội dung trên sẽ giúp các em có bài làm Phân tích Việt Bắc tốt nhất nhé!