Khi đối diện với việc viết mở bài Nghị luận văn học khi bí ý tưởng và chưa rõ ràng. Bạn cần tập trung vào việc tạo ra một cái nhìn tổng quan về chủ đề hoặc vấn đề mà bạn muốn khám phá trong nghị luận. Sử dụng một câu hỏi, một trích dẫn hoặc một thống kê thú vị để khơi gợi sự tò mò của độc giả. Cùng theo dõi hướng dẫn của Onthidgnl nhé.
Mục lục
Hướng dẫn viết mở bài Nghị luận văn học bị bí ý tưởng
Mở bài đi từ tác giả đến tác phẩm
Ví dụ: Khi mở bài đề “Cảm nhận của em về đoạn trích chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng”
Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông sống và hoạt động tại chiến trường Nam Bộ. Trong suốt hành trình văn chương của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc tiêu biểu với nhiều thể loại khác nhau: Con chim vàng, Người Quê hương, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch… tiểu thuyết có: Đất lửa, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu… Ngoài ra còn có một số kịch bản phim lưu trữ trong lòng người như: Một thời đã nhớ. Truyện ngắn “ chiếc lược ngà” viết vào tháng 9/1966 tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ca ngợi tình cảm đồng chí, cha con sâu sắc.
Mở bài xuất phát từ lý luận văn học
Mở bài về thơ ca
Mở bài 1:
Ai đó đã từng nói: “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ. Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”. Có những tác phẩm ra đời để rồi lãng quên ngay sau đó, nhưng có những tác phẩm lại như những dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc trong tâm khảm. Những tác phẩm ấy đã trở thành “ những bài ca đi cùng năm tháng” và để lại trong tâm hồn bạn đọc những ấn tượng không bao giờ quên. Một trong số đó phải kể tới “ ……..“ của …….. Bài thơ được bao trùm trong nỗi xúc cảm, trong đó tiêu biểu nhất đoạn thơ…(Trích dẫn thơ)
Mở bài 2:
“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm” (Voltaire). Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Chính bởi vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải lớn tới người đọc. Và có những bài thơ đã ra đời cách chúng ta hàng chục năm nhưng tới nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. “ …” của ……. là một tác phẩm như vậy. Trong bài thơ có những vần thơ ngân lên khiến người đọc không khỏi … (Trích dẫn thơ)
Mở bài văn xuôi
Mở bài 1:
“Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người .(Nguyễn Văn Siêu). Văn chương muôn đời luôn phải phục vụ con người, hướng con người tới những giá trị cao cả của cuộc sống. “ …..” của ….. là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học nước nhà. Truyện ngắn đã hướng con người, đặc biệt những con người nghèo khổ tới ánh sáng của ngày mai, giúp họ vững tin hơn giữa giông bão của cuộc đời. Trong truyện…., Nhà Văn… đã xây dựng thành công nhân vật ….. – là một hình tượng nhân vật điển hình của nông thôn Việt Nam trong nạn đói.
Mở bài 2:
“Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi / Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang” (Chế Lan Viên). Thơ ca nói riêng cũng như văn chương nói chung phải “bắt rễ từ cuộc đời” để rồi “ nở hoa nơi từ ngữ”. Mỗi tác phẩm văn chương được ví như tấm gương phản chiếu thời đại. Trong nền văn học Việt Nam, có những tác phẩm văn học ra đời giữa thời kỳ mưa bom bão đạn của dân tộc để rồi trở thành “ những bài ca không bao giờ quên”. Trong số đó phải kể tới “ …” của… Truyện ngắn đã phản ánh … trong những năm …và thể hiện rõ nét nhất qua đoạn trích: …
Ví dụ: Khi mở bài đề “ Cảm nhận của em về đoạn trích chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng”
Có một nhà văn đã nói rằng : “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc ta với biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại được các nhà văn ghi lại như những câu chuyện cổ tích hiện đại. Trong số ấy phải kể đến “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện đã thể hiện thật cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong thời kì chiến tranh khói lửa.Đoạn trích… là ở phần giữa câu chuyện, tập trung thể hiện sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu qua những tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí. Đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững, mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và cuộc sống nhiều gian khổ, hy sinh của người cán bộ cách mạng.
Mở bài bàn về chức năng của văn học
Bạch Cư Dị từng nói: “Cảm động lòng người trước hết không bằng tình cảm và tình cảm là cái gốc của văn chương”. Cái gốc ấy không gì khác ngoài tư tưởng mà nhà văn muốn kí thác vào trong tác phẩm, bởi điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là giọng nói của riêng mình. Tư tưởng gieo mầm vào tâm hồn nghệ sĩ và từ mảnh đời màu mỡ ấy nó phát triển thành một hình thức xác định, trở thành các hình tượng nghệ thuật đầy vẻ đẹp và sức sống. Bàn về tư tưởng trong tác phẩm văn học, nhà văn Nguyễn Khải khẳng định: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”…
Mở bài cho dạng đề so sánh tác phẩm
Vận dụng cách mở bằng lí luận văn học, mở bài cần nêu được khái quát tên tác phẩm, tác giả và đối tượng cần so sánh. Có thể dẫn từ những câu nhận định văn học sau:
– Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ (Sê – Khốp)
– Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc (LLVH)
– Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của chính mình, là cái giọng riêng của chính mình mà không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác (Tuốc– ghê – nhép)
– Không có tiếng nói riêng không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫm theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết (Lêonit – Lêonop)
Mở bài cho đề tài kháng chiến chống Pháp, Mỹ
Có thể nói văn học được xem là một bộ phận của công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Với sứ mệnh đó, tinh thần yêu nước từ bao giờ đã trở thành chủ đề bao trùm của nền văn học nước nhà. Phẩm chất yêu nước tồn tại trong tâm thức của mỗi con người Việt, và trỗi dậy mỗi khi dân tộc đứng trước họa xâm lăng. Có thể nói, văn học giai đoạn chống … được thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất, tình yêu quê hương vô hình biến thành sức mạnh hữu hình góp phần trong sứ mệnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và ở đó ngời sáng vẻ đẹp của những chiến sĩ anh dũng, kiên cường, một lòng hướng về dân tộc, đất nước. Người đọc có thể sống trọn với những ngày tháng hào hùng ấy qua hình ảnh người lính…trong tác phẩm…của…
Mở bài về những con người nông dân bất hạnh
“Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời” (Trích trong Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc). Có lẽ, ta không thể cảm nhận trọn vẹn “niềm sầu buồn” hay “giọt nước mắt” đó nếu nhà văn/nhà thơ……..không dùng ngòi bút của mình để in dấu tất cả qua hình tượng nhân vật………. với đầy những áp bức, bóc lột và bất công, nhưng trên hết những người nông dân ấy vẫn giữ trọn vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn.
Mở bài dạng đề phân tích nhân vật
“Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. Quả thực, con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi thế giới khác nhau của mỗi một tác phẩm, người đọc lại có một chiêm nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm…….., nhà văn/nhà thơ ……..đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật…
Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các em viết mở bài nghị luận văn học hiệu quả nhé!