Cùng tham khảo nội dung về Hướng dẫn viết Đoạn văn phân tích/cảm nghĩ về khổ/đoạn thơ được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo để có kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học 200 chữ đạt điểm cao nhé.
Mục lục
Hướng dẫn viết Đoạn văn phân tích/cảm nghĩ về khổ/đoạn thơ
1. Các bước viết đoạn văn phân tích /cảm nghĩ về khổ/đoạn thơ
* Bước 1: Tìm hiểu khổ/đoạn thơ
– Xác định nhân vật trữ tình trong văn bản (đại từ xưng hô,…) và đối tượng trữ tình (tình cảm, cảm xúc,…)
– Tìm và phân tích các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật, nhịp, vần,… thể hiện tình cảm, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
– Suy nghĩ về ý nghĩa của khổ/đoạn thơ và tác động của văn bản đối với bản thân trong thực tiễn.
* Bước 2: Viết đoạn
– Viết câu mở đoạn (chứa đựng thông tin về tác phẩm, tác giả và nhận định chung về văn bản).
– Viết các câu văn phân tích, làm rõ tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình qua ngôn từ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật, vần, nhịp,…
– Viết câu kết nêu ý nghĩa của văn bản và tác động của văn bản thơ đối với bản thân.
2. Một số dạng câu viết đoạn văn phân tích /cảm nghĩ về khổ/đoạn thơ
Câu mở đoạn
– … của bài thơ… là khổ/đoạn thơ hay của nhà thơ… viết về…
– Trong bài thơ/khổ thơ… (tác giả),… là sự kết tinh những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.
Các câu thân đoạn
– Thật vậy, trong khổ/đoạn thơ này, tác giả đã thể hiện/viết về …
– Qua hình ảnh/từ ngữ/dòng thơ/câu thơ, biện pháp nghệ thuật, vần, nhịp… (chọn một vài yếu tố tiêu biểu để phân tích).
– Không chỉ vậy, những hình ảnh… đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về tâm trạng/cảm xúc của nhân vật trữ tình.
– Qua những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình, người đọc nhận ra tâm hồn nhà thơ… /thông điệp của tác giả…
Câu kết đoạn
– Tóm lại, khổ/đoạn thơ… của bài thơ… đã thể hiện thành công… và tâm hồn, tài năng của nhà thơ,…
– Khổ/đoạn thơ đã giúp người đọc nhận ra… (thông điệp của tác giả).
Tham khảo đề:
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích về khổ thơ sau:
MIỀN QUÊ
Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu
(Nguyễn Khoa Điềm)
HƯỚNG DẪN VIẾT ĐOẠN VĂN
Mở đoạn
Khổ thơ của bài thơ “Miền quê” là đoạn thơ hay của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết về bức tranh quê thân thuộc mà vô cùng đẹp đẽ. Khổ thơ là sự kết tinh những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Thân đoạn
Thật vậy, trong khổ thơ tác giả đã miêu tả bức tranh quê qua hình ảnh “mảnh trăng” treo lơ lửng trên bầu trời đồng quê, đan trong những sợi nắng vàng khi hoàng hôn buông xuống đã đem đến một bầu không khí vừa lặng lẽ, yên bình vừa lung linh, huyền ảo. Những bông lúa mềm mại, xanh mướt so sánh như bờ vai thân yêu làm ấm lòng và lay động trái tim nhân vật trữ tình trong buổi chiều quê thanh tĩnh. Không có từ ngữ chỉ màu sắc nhưng sự hài hòa sắc màu hiện ra rất rõ nét: sắc xanh của cỏ, màu vàng nhạt của nắng, sắc trắng của ánh trăng treo. Tất cả đã khiến cho đoạn thơ hiện ra như một bức hoạ đồng quê xinh đẹp. Trên nền của bức hoạ ấy đã vút lên một thanh âm quen thuộc: tiếng ếch – một âm thanh của đất quê, của ruộng đồng thân thiết. Chữ “vùi” thật độc đáo, thể hiện sự sáng tạo của tác giả trong việc làm tượng hình tiếng ếch, khiến cho một thanh âm của đồng quê có thể “vùi” mình trong “cỏ”. Chữ “ấm” cũng đã góp phần tô điểm thêm vào cái không khí thân thuộc, gần gũi, ấm áp của quê hương xứ sở. Không chỉ vậy, những hình ảnh này đã giúp người đọc hiểu rõ tâm hồn nhạy cảm và tình yêu quê hương của nhà thơ.
Kết đoạn
Tóm lại, khổ thơ của bài thơ “Miền quê” tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện thành công bức tranh quê hương và tâm hồn, tài năng của nhà thơ. Đồng thời giúp người đọc thêm yêu, trân trọng và gắn bó với quê hương, đất nước.
Tham khảo bài hoàn chỉnh:
Nghị luận 200 chữ về khổ thơ Miền Quê – Nguyễn Khoa Điềm
Xem thêm:
…
Hy vọng bài viết “Hướng dẫn viết Đoạn văn phân tích/cảm nghĩ về khổ/đoạn thơ”… này sẽ là nguồn tài liệu giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức và tự tin làm bài hơn trong môn ngữ văn ôn thi THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7