Cùng tham khảo nội dung về Hướng dẫn viết đoạn phân tích biện pháp/ yếu tố nghệ thuật trong thơ được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo để có kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học 200 chữ đạt điểm cao nhé.
Mục lục
Hướng dẫn viết đoạn phân tích biện pháp/yếu tố nghệ thuật
1. Các bước viết đoạn văn phân tích biện pháp/ yếu tố nghệ thuật
* Bước 1: Tìm hiểu biện pháp nghệ thuật/ yếu tố nghệ thuật
– Xác định các từ ngữ, hình ảnh là dấu hiệu của biện pháp/yếu tố nghệ thuật
– Hình dung về bức tranh đời sống (hình tượng, hình ảnh) và tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình nhờ biện pháp/yếu tố nghệ thuật.
– Giả định không có hoặc thay bằng biện pháp/yếu tố nghệ thuật khác thì hiện thực trữ tình và tâm trạng sẽ hiện ra thế nào.
– Suy nghĩ về sự mới mẻ, độc đáo riêng của biện pháp/yếu tố nghệ thuật.
* Bước 2: Viết đoạn
– Viết câu mở đoạn (chứa đựng thông tin về tác phẩm, tác giả và nhận định về biện pháp/yếu tố nghệ thuật).
– Viết các câu văn phân tích, làm rõ biểu hiện/đặc điểm của biện pháp/yếu tố nghệ thuật và tác dụng đối với việc thể hiện bức tranh đời sống và tình cảm, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
– Viết câu kết đánh giá giá trị, nét đặc sắc của biện pháp/yếu tố nghệ thuật.
2. Một số dạng câu viết đoạn văn phân tích biện pháp/ yếu tố nghệ thuật
Câu mở đoạn
– Trong bài/đoạn thơ…, tác giả… đã sử dụng thành công biện pháp/yếu tố nghệ thuật,…
– Một trong yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật của bài/đoạn thơ… (tác giả…) là đã biện pháp/yếu tố nghệ thuật…
Câu thân đoạn
– Thật vậy, với việc sử dụng biện pháp/yếu tố nghệ thuật…, hình ảnh/hình tượng… được thể hiện một cách sống động, gợi hình, gợi cảm…
– Chưa hết, biện pháp/yếu tố nghệ thuật… đã giúp nhà thơ diễn tả một cách tinh tế tình cảm, cảm xúc… của nhân vật trữ tình…
– Không giống như biện pháp/yếu tố nghệ thuật… trong bài… (tác giả), ở trong bài/đoạn thơ này, biện pháp/yếu tố nghệ thuật… đã cho thấy nét độc đáo riêng, thể hiện qua…
Câu kết đoạn
– Tóm lại, trong bài/đoạn thơ…, tác giả đã sử dụng thành công biện pháp/yếu tố nghệ thuật…
– Thi phẩm/Đoạn thơ đã lay động trái tim người đọc bởi cách thể hiện tình cảm bằng biện pháp/yếu tố nghệ thuật…
Đề minh họa:
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp ngữ trong văn bản sau:
NHỮNG CÁNH ĐỒNG MÙA THU
Những cánh đồng mùa thu
Con chim chào mào ăn rồi nhả hạt
Những bông lúa cầu vòng vươn vút mắt
Lo âu bàn tay đợi hạt vuông tròn
Những cánh đồng vàng hơn mỗi hoàng hôn
Màu no ấm hoà trong màu trời đất
Phù sa đỏ sông nước ngọt lòng như mật
Thì thầm khua bến nước, chiếc thuyền xuôi
Những cánh đồng cô đơn ngủ lịm giữa tháng mười
Khi hạt lúa bồi hồi phơi mình trên sân gạch
Gió đi qua vùng nắng xối đập vào chân bức vách
Kể về tháng ngày xa cùng những nỗi nhọc nhằn
Bề bộn mây trời bầm lên màu trở trăn
Nói giản dị lời yêu mặt đất
Ôi tháng mười lo toan và tất bật
Cứ đến rồi đi, goá bụa những cánh đồng.
(Bình Nguyên Trang, dẫn theo thuvien.net)
HƯỚNG DẪN VIẾT ĐOẠN VĂN
Mở đoạn
Những cánh đồng mùa thu là một bài thơ hay, tiêu biểu cho phong cách thơ Bình Nguyên Trang. Một trong những yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật độc đáo của bài thơ là việc sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ.
Thân đoạn
Thật vậy, với việc sử dụng biện pháp điệp ngữ hình ảnh những cánh đồng được thể hiện một cách sống động, gợi hình, gợi cảm. Việc lặp lại cụm từ “Những cánh đồng” trong bài thơ không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của cánh đồng trong cuộc sống nông dân mà còn tạo nên sự gắn kết, đồng điệu trong cảnh sắc mùa thu. Hình ảnh những cánh đồng trải dài, mênh mông, mỗi lần nhắc đến đều mang một sắc thái giúp nhà thơ diễn tả một cách tinh tế tình cảm, cảm xúc khác nhau, từ “lo âu” đến “no ấm”, từ “cô đơn” đến “nhọc nhằn” của nhân vật trữ tình. Mỗi câu điệp ngữ tạo nên một nốt nhạc trong bản giao hưởng mùa thu, làm tăng sức biểu cảm và gợi cảm cho bài thơ, giúp người đọc cảm nhận rõ ràng hơn vẻ đẹp và nỗi vất vả của người nông dân. Nếu như biện pháp điệp ngữ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi cho ta thấy được sức mạnh biểu cảm, cảm xúc sâu sắc về tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và sự hy sinh cao cả của người Việt Nam, thì ở bài thơ này, biện pháp điệp ngữ đã cho ta thấy nét độc đáo riêng đó là cảm xúc sâu lắng, đậm chất trữ tình, tạo nên một bức tranh mùa thu đầy màu sắc.
Kết đoạn
Tóm lại, biện pháp nghệ thuật điệp ngữ trong bài thơ Những cánh đồng mùa thu không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên mùa thu mà còn thể hiện được cảm xúc, suy tư của tác giả về cuộc sống, về những giá trị nhân văn sâu sắc.
Tham khảo bài hoàn chỉnh:
Xem thêm:
…
Hy vọng bài viết “Hướng dẫn viết đoạn phân tích biện pháp/ yếu tố nghệ thuật”… này sẽ là nguồn tài liệu giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức và tự tin làm bài hơn trong môn ngữ văn ôn thi THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7