Cùng tham khảo nội dung Đọc hiểu văn bản kí: Trích Hà Nội của Cẩm Thơ, Chu Cẩm Thơ được Onthidgnl chia sẻ. Nội dung giúp các bạn nắm bắt bài học và kỹ năng; giúp các bạn có sự chuẩn bị thật tốt cho để ôn thi môn ngữ văn THPTQG năm 2025 được tốt. Hãy cùng tham khảo nhé.
Mục lục
Đọc hiểu văn bản kí: Trích Hà Nội của Cẩm Thơ, Chu Cẩm Thơ
04.02.2017
Lần đầu tôi đi suối Yến. Dòng suối trong tưởng tượng của tôi có lúc nên thơ như chuyến du xuân của cô gái 15 đi chơi chùa Hương mà thi thoảng tôi ngâm nga hát, có lúc lại đông nghìn nghịt, tấp nập hơn cả bến Ninh Kiều trong các bản tin thời sự.
Nay trời vừa tạnh mưa, những khoảng xanh xanh lộ ra từ vết rách của mây trời khiến tất cả rạng rỡ. Ngay cả trên khuôn mặt của những khách du xuân, vẻ lo lắng vì mưa nay đã hết. Chỉ còn nét tươi vui sẵn sàng đón một hành trình vui vẻ.
Mùa xuân, và cơn mưa đã làm suối Yến có đủ nước xanh lục dẫn đò xuôi ngược. Trên bến dưới thuyền, vẻ tấp nập chẳng có nét gì của thương lái bến Ninh Kiều. Sự thành kính nơi đất Phật khiến cả người lái đò và chúng tôi có nét trầm tư. Những cô gái trẻ miệng đỏ thắm với nụ cười duyên e lệ trong gió. Thế mà chỉ câu ca xuân thì cũng bừng tỉnh tỏa hết nét thanh xuân. Những anh chàng bị quyến rũ bởi sự tự tin ấy, quờ tay qua thuyền tính làm quen.
Dòng Yến râm ran câu chuyện đầu xuân. Ven bờ, những rặng trúc, rặng dừa nước nho nhỏ, xơ xơ. Đôi con vịt rủ nhau vào đấy. Có hang Sơn Thủy Hữu Tình. Ai hò hẹn, ai trao duyên. Trăm con mắt đổ vào nơi ấy. Tiếng vịt càng cạc và lấp ló bông sung, hồng hồng.
Dòng Yến sôi động. Tiếng cười về câu chuyện năm xưa. Câu chuyện hôm qua để chuẩn bị về nơi đất Phật. Rặng núi xanh hiện dần ra. Không có vẻ hùng vĩ. Mà là yên bình. Mà là nên thơ. Vẫn còn mướt láng nước của cơn mưa buổi sớm. Ánh bình minh lên, le lói tia sáng qua những đỉnh thiêng.
Nghe nói mỗi năm dòng Yến chở khoảng 8 triệu người đi trảy hội chùa Hương. Người ta vẫn cấy xen lúa, đặt nơi an nghỉ của người thân ở hai bên bờ sông Yến. Người già, người trẻ biết bao lần soi mình trên dòng nước này. Có trong trẻo. Có xanh sẫm màu trời. Và tiếng mái chèo bì bõm không bị mất đi trong tiếng cười rộn rã. Dòng Yến lạ kỳ thế! Lần đầu xuôi trên đây, quờ tay, có một làn nước mùa xuân trong lành mát rượi.
(Trích Hà Nội của Cẩm Thơ, Chu Cẩm Thơ, NXB Văn học, 2024, tr. 60-62)
Thực hiện yêu cầu:
Câu 1. Chỉ ra các yếu tố phi hư cấu trong văn bản.
Câu 2. Liệt kê các chi tiết, hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của dòng suối Yến.
Câu 3. Nêu tác dụng của việc sử dụng ngôi thứ nhất trong đoạn nhật kí.
Câu 4. Chi tiết Dòng suối trong tưởng tượng của tôi có lúc nên thơ như chuyến du xuân của cô gái 15 đi chơi chùa Hương mà thi thoảng tôi ngâm nga hát, có lúc lại đông nghìn nghịt, tấp nập hơn cả bến Ninh Kiều trong các bản tin thời sự có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện nội dung của văn bản?
Câu 5. Tư tưởng, tình cảm gì của người viết được thể hiện trong đoạn trích có ý nghĩa như thế nào đến cuộc sống hiện nay ?
Gợi ý: Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. Các yếu tố phi hư cấu trong văn bản:
– Thời gian cụ thể, xác thực: 04.02.2017
– Địa điểm cụ thể, xác thực: Dòng suối Yến ở Chùa Hương với bến Ninh Kiều, hang Sơn Thủy Hữu Tình
– Số liệu cụ thể, chính xác: mỗi năm dòng Yến chở khoảng 8 triệu người đi trảy hội chùa Hương.
Câu 2. Các chi tiết hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của dòng suối Yến là:
– Suối Yến có đủ nước xanh lục dẫn đò xuôi ngược.
– Ven bờ, những rặng trúc, rặng dừa nước nho nhỏ, xơ xơ. Đôi con vịt rủ nhau vào đấy. Có hang Sơn Thủy Hữu Tình.
– Trong trẻo, xanh sẫm màu trời
– Một làn nước mùa xuân trong lành mát rượi.
Câu 3. Nêu tác dụng của việc sử dụng ngôi thứ nhất trong đoạn nhật kí.
– Đoạn nhật kí đã sử dụng ngôi thứ nhất, xưng “tôi”. Người viết ghi lại sự kiện, cảm nghĩ của cá nhân “vừa mới xảy ra” và xuất hiện trực tiếp trong văn bản.
– Việc sử dụng ngôi thứ nhất trong đoạn nhật kí trên có tác dụng:
+ Khắc họa cụ thể, chi tiết, xác thực vẻ đẹp của dòng suối Yến và khung cảnh đi trảy hội của người dân. Vì người viết trực tiếp có mặt trong chuyến đi trảy hội ở chùa Hương, được trực tiếp ngồi trên đò xuôi dòng suối Yến.
+ Bộc lộ chân thực những suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trần thuật khi lần đầu được trảy hội trên dòng suối Yến. Góp phần khắc họa vẻ đẹp tính cách, tâm hồn của người viết.
+ Khiến đoạn văn sinh động, hấp dẫn vừa có tính xác thực cao, vừa thấm đượm cảm xúc. Từ đó, tạo sự tin tưởng và thuyết phục người đọc, người nghe.
Câu 4. Chi tiết Dòng suối trong tưởng tượng của tôi có lúc nên thơ như chuyến du xuân của cô gái 15 đi chơi chùa Hương mà thi thoảng tôi ngâm nga hát, có lúc lại đông nghìn nghịt, tấp nập hơn cả bến Ninh Kiều trong các bản tin thời sự có ý nghĩa trong việc thể hiện nội dung của văn bản:
– Khắc họa vẻ đẹp của dòng suối Yến và khung cảnh đi trảy hội chùa Hương của người dân vào mùa lễ hội:
+ Vẻ đẹp của dòng suối Yến được tác giả so sánh với như chuyến du xuân của cô gái 15 đi chơi chùa Hương. Đó là vẻ đẹp vừa nên thơ, trữ tình, ngập tràn sắc xanh của mùa xuân vừa tươi tắn, rạng ngời, hồn nhiên của người con gái trong độ tuổi trăng rằm.
+ Khung cảnh trảy hội trên dòng suối Yến đông đúc, náo nhiệt với hàng trăm, hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc nô nức tìm về Chùa Hương, suối Yến.
– Bộc lộ chân thực tâm trạng, cảm xúc và vẻ đẹp tâm hồn của chủ thể trần thuật.
+ Đó là niềm vui sướng, là sự háo hức của người viết khi được lần đầu trải nghiệm lễ hội chùa Hương.
+ Tâm hồn tinh tế, phong phú, giàu tình yêu thiên nhiên, cuộc sống.
Câu 5. Tư tưởng, tình cảm của người viết trong văn bản có ý nghĩa như thế nào đến cuộc sống hiện nay?
– Tư tưởng, tình cảm của tác giả có ý nghĩa tích cực đến cuộc sống hiện nay:
+ Giúp chúng ta nhận thức vẻ đẹp của thiên nhiên, quê hương, đất nước cùng những phong tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó đánh thức dậy trong chúng ta tình yêu, niềm tự hào với cảnh sắc thiên nhiên, với những phong tục văn hóa đẹp của dân tộc.
+ Giúp chúng ta có ý thức sống chậm lại để giao hòa, cảm nhận từng khoảnh khắc nhỏ bé của thiên nhiên, cuộc sống để thanh lọc và nuôi dưỡng tâm hồn.
+ Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức được cần có những hành động nhỏ bé, thiết thực để giữ gìn, bảo vệ vẻ đẹp của dòng suối Yến, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ những di tích văn hóa, lịch sử cùng những phong tục truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước.
Tham khảo thêm:
Định hướng Ôn thi tốt nghiệp THPTQG môn Ngữ Văn năm 2025
Cấu trúc, ma trận đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2025
Các dạng Câu hỏi đọc hiểu văn bản theo chương trình mới 2025
Tải tài liệu ôn thi môn ngữ Văn THPTQG
Với nội dung Đọc hiểu văn bản kí: Trích Hà Nội của Cẩm Thơ, Chu Cẩm Thơ kèm tài liệu mà Onthidgnl chia sẻ ở trên. Hy vọng sẽ giúp các em có sự chuẩn bị tốt để ôn thi THPTQG môn ngữ văn sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao cho kỳ thi tuyển sinh nhé.
Theo dõi MXH của Onthidgnl nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom