Dàn ý phân tích 20 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc là kiến thức các bạn học sinh quan tâm khi ôn dạng bài nghị luận văn học. Và, Bài thơ “Việt Bắc” của tác giả Tố Hữu là một trong những tác phẩm được nhiều giáo viên trọng tâm cho học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Việc nắm được ý chính của tác phẩm là điều rất quan trọng đối với các bạn học sinh, đặc biệt là 20 câu đầu trong bài thơ Việt Bắc. Cùng tham khảo nhé!
Mục lục
Dàn ý phân tích 20 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc
Mở bài
Khái quát đôi nét về Tố Hữu (1920-2002): Là một nhà thơ hiện đại đi đầu trong nền thơ ca cách mạng của Việt Nam. Bằng giọng thơ giản dị, gần gũi mà trữ tình, sâu sắc ông đã thể hiện sự hào hùng của quân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Việt Bắc”: được ra đời khi quân dân ta chiến thắng giặc thực dân Pháp. Bài thơ là bài hùng ca, ngợi ca sự anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ trong cuộc chiến đồng thời ngợi ca nghĩa tình gắn bó bền chặt sâu sắc giữa quân và dân ta.
Giới thiệu về đoạn trích cần phân tích: hai mươi câu thơ đầu là ba khổ thơ đầu của bài thơ “Việt Bắc” – là lời tâm tình, nỗi nhớ thương, bịn rịn xuyến xao của người đi kẻ ở trong buổi chia tay ở Việt Bắc.
Thân bài
Tâm trạng luyến lưu, quyến luyến, bâng khuâng trong buổi chia tay
“- Mình về mình có nhớ ta?
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không?
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”
Bằng lối xưng hô bình dị, quen thuộc “mình”-”ta”, sử dụng liên tiếp những câu hỏi tu từ -> thể hiện cảnh chia ly bịn rịn, xuyến xao, nỗi lòng nhớ nhung, bâng khuâng của người ở lại.
Thời gian “mười lăm năm” là một quãng thời gian đủ dài để “mình” và “ta” thấu hiểu, gắn bó keo sơn, “thiết tha mặn nồng”, và có với nhau những kỷ niệm sâu sắc, không thể phai mờ.
Hình ảnh “cây nhớ núi”, “sông nhớ nguồn” như một lời nhắc nhở người ra đi về thiên nhiên, núi rừng và con người Việt Bắc – Nơi “mình” và “ta” đã đồng cam cộng khổ, vượt qua muôn trùng thử thách, khó khăn để chiến đấu và giành thắng lợi cho tổ quốc.
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”
Bốn câu thơ tiếp theo gợi ra khung cảnh buổi chia tay giữa dân và quân đầy bịn rịn, quyến luyến tại bên cồn bến sông. Màu chàm làm màu áo đặc trưng truyền thống của người dân nơi núi rừng Việt Bắc, hình ảnh “áo chàm” là hình ảnh ẩn dụ cho người dân Việt Bắc nghèo khổ nhưng đầy chân thành, chất phác, nghĩa tình. Các từ láy “tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn” gợi lên tâm trạng rưng rưng thương nhớ, bịn rịn chẳng muốn rời xa. Người đi kẻ ở nắm chặt bàn tay không rời, xúc động, xuyến xao không thốt lên lời.
“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hát hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, có nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa.”
Mười hai câu thơ tiếp là lời tâm tình của Việt Bắc, gợi lên những kỷ niệm không bao giờ phai trong những ngày trường kỳ kháng chiến đầy gian nan vất vả nhưng không kém phần nghĩa tình. Điệp từ “nhớ” được lặp đi lặp lại vừa diễn tả nỗi nhớ nhung khôn nguôi cũng vừa là lời nhắc nhở những kỷ niệm khó quên này. Những tháng ngày gian khổ với “mưa nguồn suối lũ”, “mây cùng mù” cùng nhau sẻ chia từng “miếng cơm chấm muối”, cùng nhau nhắc nhớ về mối thù giặc xâm lược. “Trám bùi để rụng, măng mai để già” gợi nhớ sự bùi ngùi, trống vắng của người ở lại, Dù người lính đã đi xa, nhưng Việt Bắc vẫn một lòng một dạ, một lòng son sắt thủy chung “đậm đà lòng son”. Cũng là lời nhắc khéo những người lính luôn nhớ đến nguồn cội, đừng quên thời “kháng Nhật, Việt Minh”, đừng quên gìn giữ cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà.
Kết bài
Đoạn thơ là nỗi lòng, lời tâm tình nhớ thương, lưu luyến của Việt Bắc. Cũng là một áng thơ tiêu biểu cho hồn thơ của Tố Hữu – đầy ngọt ngào, đằm thắm trữ tình với quê hương đất nước cũng như với cách mạng dân tộc.
Hy vọng với phần Dàn ý phân tích 20 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về phân tích bài thơ Việt Bắc cũng như giúp các bạn học sinh Học tốt ngữ văn 12 và đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới nhé!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom