Nghị luận xã hội là một trong 3 bài tập của đề thi văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, phần bài này có thể chiếm từ 2-3 điểu của bài thi. Để làm tốt phần này các bạn cần Học tốt văn lớp 12 cũng như nắm cách làm của từng dạng bài. Và bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu được cách làm của một bài văn nghị luận xã hội
Dạng 1: Nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý
Một bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý có thể đề cập đến các khía cạnh của đời sống như: Tư tưởng, đạo đức, thế giới quan hay văn hóa nhân sinh,…
Cách làm bài Nghị luận xã hội về tư tưởng, đạo lý
Mở bài:
Dẫn dắt và nêu vấn đề. Có 2 loại đó là mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp. Sau đó học sinh cần có một câu để dẫn người đọc đến phần thân bài – giải quyết vấn đề.
Thân bài:
Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lí.
Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề
Bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ,…). Thường trả lời câu hỏi: Là gì? Như thế nào? Biểu hiện cụ thể?
Bước 2: Bàn luận
– Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).
-Bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.
Bước 3: So sánh mở rộng
– Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.
– Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.
– Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.
Người tham gia nghị luận đưa ra mặt trái của vấn đề, phủ nhận nó là công nhận cái đúng, ngược lại ,nếu vấn đề bình luận là sai hãy lật ngược bằng cách đưa ra vấn đề đúng, bảo vệ cái đúng cũng có nghĩa là phủ định cái sai.
Trong các bước mở rộng, tuỳ vào từng trường hợp và khả năng của mình mà áp dụng cho tốt, không nên cứng nhắc.
Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.
Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dạng 2: Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống
Dạng bài nghị luận về hiện tượng đời sống là dạng bài có liên quan đến các vấn đề thực tế xảy ra trong đời sống hằng ngày như:
– Các vấn đề liên quan đến môi trường – khí hậu: Ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của trái đất, nạn phá rừng, thiên tai lũ lụt, biến đổi khí hậu,…
– Các vấn đề bạo lực: Bạo hành gia đình, Bạo lực học đường, tai nạn giao thông…
– Vấn đề về giáo dục: Tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng chảy máu chất xám…
– Hình ảnh tích cực: Phong trào tiếp sức mùa thi, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tấm gương người tốt, việc tốt, nếp sống đẹp…
Cấu trúc bài làm Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Nghị luận về hiện tượng xã hội thường chia 2 dạng đó là hiện tượng tốt và hiện tượng xấu.
Mở bài:
Dẫn và nêu vấn đề (có thể mở bài trực tiếp hoặc mở bài gián tiếp)
Thân bài:
– Hiện tượng xấu
- Giải thích hiện tượng
- Tác hại
- Nguyên nhân
- Giải pháp
– Hiện tượng tốt:
- Giải thích hiện tượng
- Phân tích tác dụng ý nghĩa của hiện tượng
- Cách phát huy
- Phê phán hiện tượng trái ngược
– Liên hệ mở rộng – rút ra bài học kinh nghiệm.
Kết bài: Tổng kết và đánh giá chung
Các bước làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
Bước 1: Tìm hiểu đề
Xác định ba yêu cầu:
– Yêu cầu về nội dung:
- Hiện tượng cần bàn luận là hiện tượng nào (tốt hay xấu)
- Có bao nhiêu ý cần triển khai trong bài viết?
- Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?
– Yêu cầu về phương pháp: Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng ? (giải thích, chứng minh, bình luận,…)
– Xác định phạm vi dẫn chứng: trong văn học, trong đời sống thực tiễn.
Bước 2: Lập dàn ý
Xây dựng theo phần (2) cấu trúc của bài
Bước 3: Tiến hành viết bài văn
- Triển khai bài viết theo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng đã xây dựng (theo dàn ý)
- Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.
Bước 4: Đọc lại và sửa chữa để hoàn chỉnh bài viết
Dạng 3: Nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội được đặt ra trong một tác phẩm văn học
+ Là một vấn đề xã hội nào đó được đặt ra trong tác phẩm văn học.
Lưu ý trước khi làm bài
– Đây là một dạng đặc biệt, tích hợp giữa tập làm văn và làm văn
– Phải hiểu và làm rõ đây là một bài nghị luận chứ không phải một bài phân tích tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học chỉ là phương tiện để tác giả đặt vấn đề của mình vào đó và nhiệm vụ của người học sinh là phải tìm ra và giải quyết vấn đề thông qua tác phẩm.
2. Cấu trúc
Mở bài
-Giới thiệu tác phẩm văn học
-Xác định vấn đề nghị luận ở dạng khái quát nhất và định hướng đi, phạm vi của bài viết.
Thân bài
1. Làm rõ vấn đề xã hội được đề cập trong tác phẩm văn học
– Nếu đề bài đã chỉ rõ yêu cầu nghị luận về một vấn đề xã hội cụ thể đặt ra trong tác phẩm văn học:
+ Vấn đề xã hội được nhắc là gì?
+ Tác giả đã nhìn nhận, đánh giá ra sao ?
+ Cắt nghĩa giải thích cơ sở nào hình thành vấn đề
2. Làm rõ vấn đề trong thực tế xã hội (Đây là phần trọng tâm của bài viết).
– Nếu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học là một tư tưởng, đạo lí
– Nếu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học là hiện tượng đời sống
3. Đánh giá, nhìn nhận
Thể hiện cái nhìn đối sánh về nội dung xã hội được đề cập trong tác phẩm văn học và hiện thực cuộc sống hiện nay. Chỉ ra nét ổn định và biến đổi của vấn đề; lý giải nguyên nhân của sự biến đổi.
Kết bài: chốt lại vấn đề – rút ra bài học
Hy vọng với phần kiến thức này sẽ giúp các bạn Ôn thi đại học môn văn hiệu quả. Chúc các bạn ôn luyện một cách hiệu quả và đạt kết quả cao nhé !