Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông nằm trong chương trình Ngữ Văn 11 Chân trời sáng tạo. Bài kí này đã góp phần bồi dưỡng thêm tình yêu và niềm tự hào của người dân đối với dòng sông và với quê hương, đất nước. Cùng VUIHOC soạn bài kí để hiểu thêm về nghệ thuật và nội dung mà tác giả muốn gửi gắm nhé
Mục lục
1. Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông – Trước khi đọc
1.1 Câu 1: Bạn đã biết gì về Huế? Hãy chia sẻ với các bạn về điều đó.
Phương pháp giải:
Dựa vào những bài báo và bộ phim tài liệu cùng với kiến thức đã được học hoặc đã từng xem, chia sẻ những nội dung bạn từng biết sau đó suy ra những điều mà bạn cảm thấy thú vị nhiều nhất khi nhắc tới Huế.
Lời giải chi tiết:
– Huế là một địa điểm nằm ở vị trí trung tâm của đất nước và thuộc vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, Huế đã được Trung ương công nhận là đô thị loại I, là một Thành phố di sản văn hóa thế giới hay còn biết tới là một trung tâm văn hóa, nổi tiếng về du lịch đặc sắc, là thành phố của những Festival ở Việt Nam.
– Thành phố Huế chính là kinh đô phong kiến cuối cùng của đất nước Việt Nam, vốn sở hữu lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời theo đó là những giá trị và bản sắc vô cùng độc đáo.
– Những giá trị di sản văn hóa ở đây thể hiện thông qua những nét riêng biệt nhưng hấp dẫn của một vùng văn hóa, vừa mang nét đặc thù – bản địa, lại vừa mang nét dân tộc – phổ biến, vừa tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của khắp các nền văn hóa Á Âu.
1.2 Câu 2: Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, bạn dự đoán gì về nội dung của văn bản?
Phương pháp giải:
Dựa vào nhan đề cùng những đặc điểm của sự vật xuất hiện trong ảnh – dòng sông Hương – một địa điểm vô cùng nổi tiếng ở Huế, nêu lên nội dung và ý nghĩa của văn bản đã được đề cập.
Lời giải chi tiết:
Dựa vào nhan đề của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông cùng với hình ảnh của dòng sông Hương được khắc họa vô cùng rõ nét trong ảnh khiến người đọc liên tưởng tới vẻ đẹp tuyệt vời của dòng sông Hương. Từ câu hỏi tu từ xuất hiện ngay ở đầu nhan đề đã tạo nên dấu ấn ở nơi trái tim của người đọc về vẻ đẹp cổ kính và kỳ bí nhưng lại giàu chất lãng mạn của con sông nơi vùng đất cố đô ấy.
2. Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông – Trong khi đọc
2.1 Câu 1: Đoạn văn này miêu tả khúc sông nào của sông Hương? Nét đẹp riêng của khúc sông này là gì?
Phương pháp giải:
Đọc lại đoạn văn mở đầu sau đó suy luận về vẻ đẹp độc đáo của đối tượng đang phân tích.
Lời giải chi tiết:
– Đoạn văn đã miêu tả khúc sông Hương ở vị trí thượng nguồn con sông toát lên một vẻ đẹp thật kỳ vĩ: chảy “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn…”; hay “phóng khoáng và man dại”.
+ Khi chảy ra khỏi phạm vi của vùng đại ngàn, sông Hương lại chuyển dòng, ẩn mình vào trong cuộc hành trình trong lòng Trường Sơn hay được thể hiện qua chi tiết “ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”
→ Vẻ đẹp thật dữ dội và hùng vĩ của sông Hương mà hiếm ai biết tới khi ẩn mình vào giữa rừng già đại ngàn.
2.2 Câu 2: Bạn hình dung như thế nào về hình ảnh sông Hương qua đoạn văn này?
Phương pháp giải:
Xem lại đoạn văn đó, thông qua những chi tiết liên tưởng để có thể hình dung về vẻ đẹp của dòng sông Hương.
Lời giải chi tiết:
Thiên nhiên Huế đã được tác giả tái hiện lại một cách sinh động cùng với vẻ đẹp biến chuyển phong phú theo thời gian và cả không gian. Sông Hương phản chiếu được vẻ đẹp biến ảo của đất Huế với những chi tiết tiêu biểu “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Gắn liền với con sông chính là những địa danh rất quen thuộc bao gồm: Nguyệt Biều, Vọng Cảnh, Hòn Chén, Thiên Thai dường như sống động hơn biết bao qua chi tiết: “sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn” hoặc “sắc nước trở nên xanh thẳm”…
→ Sông Hương đã tôn tạo vẻ đẹp cho thiên nhiên đất Huế và dòng sông cũng tạo ra một mảng trời riêng rực rỡ sắc màu, thể hiện nền văn hóa cho vùng đất cổ kính cố đô.
2.3 Câu 3: Nêu tình cảm, cảm xúc của tác giả thể hiện qua đoạn văn này.
Phương pháp giải:
Đọc lại đoạn văn đó sau đó nêu những nét tình cảm nổi bật của tác giả.
Lời giải chi tiết:
Tình cảm của tác giả dành cho dòng sông Hương được cảm nhận thông qua các giác quan với sự tinh tế và nhạy bén của một người nghệ sĩ – vừa là một người họa sĩ tài ba lại vừa là một nhạc sĩ rung cảm đắm say trước vẻ đẹp của dòng sông Hương. Nằm ngay giữa lòng thành phố thân thương của mình, sông Hương tựa như sông Seine của Pari hay sông Đa Nuýp của Budapest,… nhưng trong cách biểu đạt tài ba của tác giả, sông Hương được cảm nhận thông qua rất nhiều góc độ: nhìn nhận bằng đôi mắt của hội hoạ, sông Hương và những chi lưu của nó đã tạo ra những đường nét vô cùng tinh tế tạo nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; thông qua cách cảm thụ về âm nhạc, sông Hương lại “đẹp như điệu Slow” chậm rãi, sâu lắng và trữ tình cùng với cái nhìn thật sự đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương chính là người tình vừa dịu dàng lại vừa chung thuỷ.
2.4 Câu 4: Bạn hiểu gì về mối quan hệ giữa sông Hương với Huế qua câu văn “Quả đúng như vậy…của những mái chèo khuya”?
Phương pháp giải:
Đọc lại đoạn văn có chứa câu văn phía trên và phân tích về mối quan hệ, sự liên quan của 2 đối tượng cần phân tích.
Lời giải chi tiết:
Dưới cái nhìn của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương được đối sánh trong những ngành nghệ thuật, sông Hương về với Huế cũng như hồn gặp được xác, chính là tiếng nói của người con gái đã đi được một nửa cuộc đời và tìm được cho mình một người tình nhân đích thực. Sông Hương đã làm cho Huế mang một vẻ đẹp trầm lặng và ẩn sau là sức hấp dẫn nhưng vô cùng kín đáo.
Từ góc độ văn hóa, với cách nhìn về âm nhạc tác giả đã gắn dòng sông Hương với một nền âm nhạc vô cùng cổ điển của Huế qua chi tiết: “Sông Hương trở thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”. Từ đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã liên hệ tới việc nghe hát trên dòng sông Hương này.
Nhà văn đã đưa ra một minh chứng rõ ràng rằng: “Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này trong một khoang thuyền nào đó giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya”. Từ phía góc nhìn văn hóa, người nghệ sĩ đã tưởng tượng ra đại thi hào Nguyễn Du, về Truyện Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua – Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Nhà văn đã đặt hình ảnh của dòng sông trong một mối quan hệ với tiếng chuông chùa ngân nga khi bước vào Huế để nhìn nhận.
2.5 Câu 5:Bạn hiểu như thế nào về hình ảnh “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc” trong đoạn văn này?
Phương pháp giải:
Đọc lại đoạn văn ấy rồi phân tích hình ảnh
Lời giải chi tiết:
Đọc “Ai đã đặt tên cho dòng sông” không khó để có thể nhận thấy rằng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả lại vô cùng chi tiết, sinh động và độc đáo về thủy trình của dòng sông Hương từ vị trí thượng nguồn đến trước khi chảy ra biển. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, bằng tất cả những tình yêu và sự say đắm với dòng sông Hương, với vùng đất Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết về dòng sông Hương với vẻ đẹp của lịch sử thông qua chi tiết hình ảnh “sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”.
Thật vậy, sông Hương đã hiện lên như một dòng sông của lịch sử. Nhìn lại suốt cả một chặng đường dài của lịch sử dân tộc ta, sông Hương đã góp phần công sức của mình làm nên những trang sử đầy hào hùng của dân tộc. Thời kì dựng nước, nó chính là dòng sông biên thùy xa xôi, còn thời kì trung đại, nó lại gắn liền với tên tuổi của anh hùng Nguyễn Trãi. Và để rồi xuyên suốt thế kỉ XIX hay trong thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945 và suốt mùa xuân năm 1968, sông Hương đã ghi dấu lại nhiều chiến công vẻ vang cho dân tộc. Thêm vào đó, sông Hương lại còn được biết là dòng sông của cuộc đời. Nó được ví như một người con gái vô cùng dịu dàng của đất nước. Người con gái đó khi nghe lời gọi, cũng “sẵn sàng hiến cuộc đời mình để làm một chiến công” và để đến khi trở về với cuộc sống thường ngày, sông Hương lại trở về hình bóng của một người con gái dịu dàng.