Cùng tham khảo bài Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân được Onthidgnl chia sẻ nhé!
Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân
“Nhà văn tồn tại trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đầy đọa đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”( Nguyễn Minh Châu ). Trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, bằng lối trần thuật sinh động, ngôn ngữ bình dị, thông tục nhưng được sử dụng vô cùng đắc địa, Tô Hoài đã thực hiện được trọn vẹn sứ mệnh của một người cầm bút chân chính khi dựng nên pho tượng nghệ thuật tuyệt vời về sức sống sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được của nhân vật Mị trong một đêm tình mùa xuân rộn ràng cảnh sắc làm si mê lòng người “ Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong…. sáng tự bao giờ.”
Tác phẩm “Vợ chồng A phủ” lấy bối cảnh ở một ngôi làng nhỏ ở vùng cao Tây Bắc-Hồng Ngài, nơi mà bọn chúa đất phong kiến làm mưa làm gió, hoành hành dữ dội. Tô Hoài đã chấm ngòi bút của mình vào nghiên mực cuộc đời để vẽ nên bức tranh địa ngục đầy u tối của những con người lao động lam lũ ở nơi đây. Với họ những tháng ngày bị đọa đày, trói buộc bởi hai vòng xiềng xích cường quyền và thần quyền là những chuỗi ngày bi kịch nhất, bất lực nhất và không có hi vọng nhất. Mị vốn là người con gái trẻ đẹp, nàng duyên dáng và đầy sức sống như “hoa ban hoa gạo tháng hai” của miền Tây Bắc, nàng biết thổi sáo và được nhiều người theo đuổi ” Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác.” nhưng trớ trêu thay, vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà nàng trở thành “con dâu gạt nợ” cho nhà thống lí Pá Tra. Cũng từ đây, cuộc đời nàng rẽ sang trang khác, cường quyền và thần quyền trói buộc đã biến nàng thành” con rùa lùi lũi nơi xó cửa” , thành công cụ lao động vô tri, khiến nàng sống còn “không bằng con trâu, con ngựa”.
Tưởng rằng Mị sẽ kéo dài kiếp sống vô cảm, vô tri nhưng một đêm tình mùa xuân rạo rực, một bức họa thiên nhiên tuyệt sắc đã đánh thức mảnh tàn hồn của Mị :” Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi cỏ gianh vàng ửng, rét dữ dội”. Một câu văn ngắn báo hiệu mùa xuân đã về. Mùa xuân nơi rẻo cao với sương trắng lạnh buốt xé da cắt thịt cùng với gió rét dữ dội ở những nơi đầu núi cuốn về, tất cả được tụ lại qua cụm từ “ rét càng dữ”. Thời tiết khắc nghiệt là vậy nhưng cũng không thể ngăn cản được thiên nhiên tạo hóa Tây Bắc xúng xính khoe sắc đón xuân. Bằng những từ ngữ miêu tả khéo léo và công phu, Tô Hoài như nắm lấy tay người đọc lôi tuột vào thế giới của những trang sách, khiến khung cảnh bức tranh xuân nơi “ bản sương giăng, đèo mây phủ” sống dậy, rộn ràng với những gam màu tươi rói trước lăng kính của các bạn đọc “Trong các làng Mông đỏ, những chiếc váy hoa được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ”. Với thủ pháp so sánh “xòe như con bướm sặc sỡ”, vạn vật nơi núi rừng như đang bừng nở, giao hòa với thiên nhiên đất trời, cùng nhau duyên dáng và kiều diễm đón nàng xuân đã về.
Văn chương vốn bắt nguồn từ mạch chảy ngọt ngào của cuộc sống. Còn nhà văn lại là những chú ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn cuộc đời, hút lấy chất mật tinh túy, ngọt ngào nhất để tạo nên những câu văn lấp lánh, có giá trị cho đời. Bằng tất cả tâm huyết, sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế, bút pháp tả cảnh lão luyện, bức họa đêm tình mùa xuân của nhà văn Tô Hoài đã thực sự kí thác vào lòng độc giả những cảm xúc rộn rạo, náo nức khó quên. Đó là một bức tranh tràn đầy nhựa sống và niềm hi vọng khi người người, nhà nhà nô nức đón xuân “Đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm đi chơi…ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy”. Với những từ ngữ giàu chất tạo hình, bức tranh ngày tết ở Hồng Ngài hiện lên đầy sống động, tràn ngập màu sắc và âm thanh. Dường như không khí náo nức của ngày tết đến xuân về đã nhuốm cả vào cảnh vật và con người khiến tất cả như được khởi động, bừng tỉnh. Lũ trẻ háo hức đợi xuân về cười “ầm ầm” huyên náo khắp cả một vùng đất hoang vu. Thủ pháp liệt kê miêu tả những hoạt động vui chơi cổ truyền ngày tết của Hồng Ngài như chơi quay, đánh pao, thổi khèn, thổi sáo… cũng góp phần họa nên khung cảnh ngày xuân của người dân miền núi trong tâm trí người đọc, giúp người đọc hiểu thêm sâu sắc về những tập tục đậm đà bản sắc của người miền cao. Hòa chung trong bầu không khí với làng, gia đình thống lý Pá Tra cũng hồ hởi đón tết :” Cả nhà thống lý ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh chiêng đánh ầm ỹ, người ốp đồng vẫn nhảy lên xuống, run bần bật. Vừa hết bữa cơm tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa.” Chỉ đôi ba câu ngắn gọn, nhà văn Tô Hoài đã dệt nên khung cảnh đón tết khác thường của nhà thống lý một cách chân thực, sắc sảo. Phải chăng đó là cái “phong vị riêng biệt” của những nhà thống lý quyền thế cao sang? Tính từ “ầm ĩ” kết hợp với những động từ chỉ phương hướng “ nhảy lên”, “nhảy xuống” và “rung bần bật” cho thấy lối cúng tết quái đản, dị hình, ma mị đến rợn người của nhà chúa đất Pá Tra. Đó còn là sự ăn chơi trác táng “ vừa hết bữa cơm, tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa”. Có lẽ, cuộc rượu sẽ còn kéo dài miên man bởi động từ “ tiếp ngay” sau đó.
Bằng những câu văn ngắn, nhịp nhanh, liên tiếp nối đuôi nhau, ngắt quãng ở nhiều dấu phẩy, giọng văn nhẹ nhàng say đắm, những từ ngữ phong phú giàu chất gợi, nhà văn Tô Hoài không chỉ thành công vẽ nên một bức tranh xuân lãng mạn, nên thơ, rộn ràng giữa thời khắc giao thoa của đất trời mà còn phô diễn được hết những hiểu biết am tường tinh tế của mình về những phong tục đậm đà bản sắc, phong vị của miền Tây Bắc. Nhà văn Pauxtopxki từng nói: “ Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường tới xứ sở của cái đẹp” quả thực không sai. Cùng với danh xưng “nhà văn của phong tục” của mình , người văn sĩ họ Tô ấy đã thật sự tài tình và khéo léo khi dẫn dắt người đọc tới “kho trầm tích của văn hóa dân gian”, giúp người đọc có thể phóng tầm mắt tới những miền đất xa xôi và thổn thức bởi cái đẹp của đêm xuân nơi miền cao Tây Bắc.
Nhà đại văn hào William Shakespeare từng nói: “ It’s not in the stars to hold our destiny but ourselves”, nghĩa là “ Chúng ta nắm giữ vận mệnh chính mình chứ không phải các vì sao”. Trước nay, sức mạnh của hai từ “ sinh mệnh “ diệu kỳ luôn khiến con người ta cảm thán. Dường như bên trong trái tim mỗi người luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, như hòn than hồng đỏ lửa vẫn luôn âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn nguội lạnh, chỉ cần một trận gió thổi tới là có thể thổi bùng lên dữ dội, sáng rực lộng lẫy. Và chính thời điểm “ gió thổi cỏ gianh vàng ửng” của Hồng Ngài năm ấy, khi khí xuân êm đềm, rộn rã, sức xuân cuồng nhiệt, mạnh mẽ,hồn xuân quyến rũ dạt dào, tất cả hòa quyện tuyệt đối tạo nên vẻ đẹp mê hồn của sức sống ngày xuân đã đánh thức trái tim Mị. Nói cách khác, thiên nhiên đã đánh thức sức sống của một con người vô cảm khiến nàng như dần hồi sinh sau những ngày tháng sống lùi lũi như con rùa xó cửa.
“Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”. Cả không gian ngày xuân tràn ngập trong tiếng sáo như muốn làm say mê lòng người. Tiếng sáo vang lên tha thiết bồi hồi văng vẳng vọng vào miền kí ức xa xăm của Mị, khiến con sóng lòng nàng như dâng lên từng nhịp, xao động mạnh mẽ. Hai tính từ “ tha thiết, bổi hổi” được đặt liên tiếp cuối câu như một manh mối rõ rành về tâm hồn đã rung rinh theo nhịp sáo, trái tim vô cảm, tâm hồn chai sạn nay dường như được tiếng sáo kia nhẹ nhàng an ủi, mơn trớn vỗ về từng nhịp, từng nhịp. Với Mị, tiếng sáo là bài ca muôn thuở của sự sống, là biểu tượng của tự do, tình yêu và hạnh phúc mà bấy lâu nay dường như bị quên lãng, bây đây lại được đánh thức, hồi sinh. Hóa ra, bên trong con người câm lặng kia, tiếng sáo vàng son ngày xưa vẫn còn được hằng lưu giữ, vẹn nguyên nơi kí ức, như thỏi than hồng ủ kín, có cơ hội là trỗi dậy thăng hoa.
Trái tim Mị giờ đây như một lần nữa có “nhịp đập” trở lại. Sự hồi sinh của một trái tim vô tri trở về có máu thịt, có cảm xúc khiến Mị đau đớn nhận thức được thực tại của mình. Tất cả nỗi bi phẫn, tủi nhục, không cam tâm cứ chất chồng lên, ứ đọng nơi trái tim Mị, tạo thành nỗi đau khổ, quẫn bách không nói nên thành lời… Có lẽ vậy nên “ Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát”. Động từ “ ừng ực” kết hợp với số từ “ từng” đã khắc sâu trạng thái và tư thế uống của Mị. Dường như nỗi đau nơi địa hạt tâm hồn khiến Mị uống lấy uống để, uống như chẳng để thưởng rượu, mà uống để say, để quên đi tất cả, quên đi hiện thực tàn nhẫn, để thoát hồn mình về một cõi xa xôi nào khác “ Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng… Có biết bao người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Chén rượu xuân đã đánh thức sức mạnh tâm hồn Mị. Mị không còn khái niệm về không gian và thời gian,Mị cũng không còn thấy người ta nhảy đồng run bần bật, không còn nghe thấy thanh âm bài hát văng vẳng ngoài đường. Hơi rượu và âm thanh “ tiếng sáo đầu làng” đang đưa Mị về một cõi khác, về một quá khứ thân thương với bao kỉ niệm tươi sáng. Tiếng sáo đâu đó lại vang lên, một, hai .. đến tám lần, tha thiết rồi hội tụ, nén đầy, cứ mãi rập rờn trong đầu Mị, nỉ non trong trái tim Mị thành tiếng lòng thổn thức. Tiếng sáo cứ dai dẳng, âm ỉ và mãnh liệt như sức sống trong tâm hồn người Tây Bắc. Đúng như nhà văn Tô Hoài đã nói:” Ở nơi núi rừng mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng”. Phải chăng đây chính là vẻ đẹp tiềm tàng, sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người dân miền cao Tây Bắc cũng như của nhân vật Mị?
Hơi rượu nồng nàn rồi cũng phai “ Rượu tan từ lúc nào, người về, người đi chơi đã vãn. Mị ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy nhưng Mị không bước ra đường, Mị từ từ đi vào trong buồng”. Nhịp điệu câu văn đứt quãng như diễn tả sự mệt mỏi, rã rời mơ hồ bế tắc của Mị. “Mị ngồi trơ giữa nhà” để thấy cô vẫn cô đơn xuôi ngược, mơ hồ trong dòng kí ức. Từ “ trơ” khiến ta liên tưởng đến ý thơ của người phụ nữ xưa cũng đầy cay đắng, khổ đau “ Trơ cái hồng nhan với nước non”. Mị chỉ biết lặng lẽ cất giấu, chôn vùi nỗi niềm riêng của mình trong căn buồng chật hẹp tăm tối.
Khi hạt mầm sự sống được dấy lên lần nữa thì cũng là lúc Mị nhận thức được rằng “ A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu chẳng khác nào địa ngục giày xéo tâm hồn, sống cũng chẳng bằng chết. Có lẽ vậy mà Mị lại có một suy nghĩ lạ lùng và chân thực xót xa đến thế “ Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”. Nghịch lí trên đã cho thấy, khi niềm khao khát sống được hồi sinh thì Mị cũng không thế chấp nhận một cuộc đời trâu ngựa, câm lặng nữa. Nàng tìm đến lá ngón như để chấm dứt quãng ngày dài vô nghĩa vô tri, nó cho thấy sự nhất quán trong nét tính cách của Mị. Có thể thấy, nhà văn Tô Hoài đã từng bước rọi vào miền thâm u của thế giới nội tâm nhân vật và bê nó lên trang giấy bằng những nét vẽ phác họa tâm lý đầy sắc sảo và sống động, phơi bày tất cả những bí mật đời sống nội tâm,vẻ đẹp và nét tính cách riêng biệt của nhân vật.
Lúc này, tâm hồn Mị thăng hoa trong ngập tràn cảm xúc. Từ trong chết mòn, trơ cứng, Mị lại tìm gặp sự hồi sinh, lòng thấy “phơi phới trở lại”. Cảm xúc trở nên đột biến “ đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Một sự nhận thức tinh tế về mình “ Mị còn trẻ lắm”, để rồi khẳng định mạnh mẽ “ Mị vẫn còn trẻ”. Thế giới ngục tù có thể làm bào mòn , hư hao tâm hồn Mị nhưng không đủ sức tàn phá vẻ đẹp tâm hồn của người sơn nữ. Mị đang ở độ trẻ đẹp, đầy nhựa sống như bông hoa nhỏ của vùng Tây Bắc, vì vậy Mị có quyền hưởng trọn quyền tự do, hạnh phúc của tuổi trẻ, Mị muốn đi chơi, muốn thụ hưởng cái quyến rũ dạt dào của xuân sắc, sống trọn niềm vui ngày tết. Mị muốn tiếng sáo của mình theo gió thăng hoa, ngân vang hòa quyện với đất trời trong tiết xuân rộn rã. Sức sống bấy lâu nay bị đè nén bỗng trào lên mạnh mẽ, không thể trói buộc, không thể dập tắt được nữa. Mị thèm hòa mình với dòng người đi chơi tết, thưởng xuân đến cháy lòng.
Từ ý nghĩ thức tỉnh, dẫn đến hành động quyết liệt có tính cách mạng. Mị đến góc nhà “ lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng”. Hồi phục sức sống, Mị càng nhận thức rõ hơn về sự u tối của căn phòng cũng như cuộc đời mình. Thắp ngọn đèn không chỉ để thắp sáng cho căn phòng mà dường như đó còn là thắp sáng ngọn lửa tâm hồn để xua tan cái lạnh lẽo nơi trái tim, rọi sáng cuộc đời quá ư ngột ngạt, tăm tối, đầy bùn lầy tù đọng của mình. Ngọn lửa ấm áp ấy “kích hoạt”, thôi thúc thỏi than hồng bấy lâu ấp ủ trong tâm hồn Mị, khiến nó rực cháy mãnh liệt, ấm nóng hơn, nồng đượm hơn. Để rồi hành động này thúc đẩy hành động tiếp theo như một phản ứng dây chuyền mà không thể nào ngưng lại được nữa. Dường như không kể gì đến những ràng buộc khắt khe, những xiềng xích tàn bạo của nhà thống lí, Mị tự mình hành động như một con người tự do, theo tiếng gọi của lòng mình: quấn lại tóc, rút cái váy hoa…, sửa soạn đi chơi tết.
Thế nhưng giữa lúc lòng ham sống trỗi dậy mạnh mẽ nhất thì cũng là lúc nó bị vùi dập xuống phũ phàng nhất. A Sử bước vào, thản nhiên, lầm lì trói đứng Mị vào cột nhà “ Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn tóc lên cột… “. Sợi dây trói xuất hiện như một sự hiện thân hung tợn của lối hành xử dã man thời trung cổ, của sự chống lại quyền sống chính đáng, chống lại quyền tiền tự do, khát vọng hạnh phúc của con người. Trói Mị xong, A Sử tắt đèn, tắt đi cái khát vọng sống vừa mới manh nha, hé mở trong người con gái đó rồi lạnh lùng đi ra, khép cửa buồng lại. Có câu “ Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”, quả thực rất đúng với bức họa hiện thực sinh động này của nhà văn Tô Hoài. Một loạt những hành động nối tiếp được A Sử làm một cách mau lẹ, thản nhiên và vô cùng dứt khoát thật khiến lòng người phải nguội lạnh, phát run…
Suốt cái đêm bị trói đứng vào cột, Mị như bị đinh đóng vào từng tấc đất linh hồn và thể xác. Trái tim Mị là “ tiếng thét khổ đau” dài vô tận, nó bị quằn quại, cắn xé đến điên cuồng giữa khát khao hạnh phúc chảy bỏng và hiện thực tàn nhẫn, xấu xa. Với bút pháp trần thuật đầy sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã khéo léo vén tấm màn nội tâm của nhân vật Mị, dẫn dắt ta bước vào thâm u sâu thẳm của linh hồn nàng, để ta cảm nhận rõ hơn những suy nghĩ, nỗi đau mà người con gái bé nhỏ ấy phải chịu từ lúc “hơi rượu còn nồng nàn” đến khi “hơi rượu tỏa”. Ban đầu, khi mới bị trói “hơi rượu còn nồng nàn”, Mị vẫn đắm chìm trong tiếng sáo vi vu, tiếng sáo đưa Mị phiêu du theo những đám chơi, cuộc chơi kì thú, theo những giai điệu tình tứ của đôi lứa hò hẹn yêu nhau “ Em không yêu quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…” Hơi men nồng nồng nàn khiến Mị như quên đi thực tại, quên luôn cả những đớn đau thể xác và những vòng kìm kẹp, đến nỗi trong giây phút niềm khát khao cuộc sống mãnh liệt “Mị vùng bước đi”! Nhưng thực tế là những sợi dây trói vẫn đang thít chặt, nó như túm lấy linh hồn đang nở hoa của Mị mà tàn nhẫn kéo mạnh xuống, không thương, không tiếc. Ước mong dẫu mãnh liệt đến thế mà trước hiện thực lạnh lùng vẫn thật yếu đuối, mong manh và bất lực… Sợi dây trói lấy Mị trong đêm tình mùa xuân ấy cũng tựa như hai vòng xiềng xích của cường quyền và thần quyền bủa vây lấy Mị, càng vùng vẫy, càng phản kháng dữ dội thì nó càng siết chặt đến rỉ máu đau thương. “ Tiếng chân ngựa đạp vách “hiện ra ngay sau đó như một biểu tượng đối lập với tiếng sáo, sự tự do “ Mị không nghe tiếng sáo nữ. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách”. Hiện thực tàn nhẫn bóp nghẹt những mầm hoa khát vọng, ước muốn của con người khiến Mị thấm thía nỗi đau, “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Tài liệu được tổng hợp và chỉnh sửa bởi page cô Tuyết Mai dạy Ngữ văn. Trong suốt cả đêm ấy, Mị như nếm trải đến tận cùng mọi nỗi đau của một kiếp trần thế, lần lượt gặm nhấm cảm xúc, nỗi đau này đến nỗi đau khác. Quả thực trong đoạn trích trên, Tô Hoài đã đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh vô cùng căng thẳng và đau đớn, làm bộc lộ những động lực tiềm ẩn sâu xa trong miền đất thâm u của tâm hồn nhân vật cùng với những diễn biến, phát triển được dẫn dắt vô cùng hợp quy luật. Cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành công. Mị không thể thoát khỏi địa ngục trần thế là gia đình cha con thống lí nhưng Mị không còn là con ngựa, con rùa lùi lũi nơi xó cửa nữa . Mị đã sống lại những thời khắc của tuổi thanh xuân tươi trẻ, đẹp đẽ và tự do. Cuộc trỗi dậy ấy như một đợt sóng dâng lên rồi nhanh chóng tan ra dù chưa làm thay đổi cuộc đời Mị song những đợt sóng ngầm của cảm xúc đến lúc nào đó sẽ tuôn trào mạnh mẽ mà bằng chứng là hành động Mị liều lĩnh cởi trói cứu A Phủ và cùng anh trốn khỏi Hồng Ngài.
Có thể nói, đoạn trích đêm tình mùa xuân của Vợ chống A Phủ đã thực sự chinh phục trái tim độc giả dù là những độc giả khó tính nhất. Một trong những nguyên nhân làm nên sự ấn tượng sâu sắc của đoạn trích trên với người đọc, ngoài tình tiết hấp dẫn, sự hồi sinh của Mị thì đó còn là tài năng của nhà văn họ Tô trong việc sử dụng đắc đạo những ngôn từ giàu chất gợi, những biện pháp nghệ thuật đặc sắc cùng sự sắc sảo trong lối dẫn dắt tâm lí nhân vật của ông. Nhưng trên hết đó là lối trần thuật linh hoạt, lời văn tinh tế và giàu chất thơ. Chất thơ trong sáng tác của Tô Hoài được thể hiện rất rõ qua bức họa mùa xuân đầy nhựa sống của Hồng Ngài. Chỉ với vài câu văn ngắn gọn, tác giả đã lột tả được hết hồn cốt của thiên nhiên Tây Bắc trong những ngày giáp tết “ Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong.. xếp yên đầy các nhà kho”, “trẻ con đốt những lều canh nương”, “ gió thổi cỏ gianh vàng ửng… những chiếc váy hoa.. xòe như con bướm sặc sỡ”. Tài liệu được tổng hợp và chỉnh sửa bởi page cô Tuyết Mai dạy Ngữ văn. Đặc biệt, chất thơ trong ngòi bút Tô Hoài còn được thể hiện trong việc ông đan lồng thành công những hình ảnh, âm thanh của tiếng sáo. Có thể nói, nghệ thuật miêu tả tiếng sáo song song tâm trạng nhân vật của nhà văn Tô đoạn này rất tài hoa. Tám lần ông miêu tả tiếng sáo kể về những cô gái, chàng trai thổi sáo, hát tình ca, tâm hồn thổn thức đi theo tiếng sáo. Ba lần ông đặc tả tiếng sáo:” văng vẳng tiếng sáo”, “tiếng sáo lửng lơ bay”, “trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”. Tiếng sáo như được ngòi bút Tô Hoài đưa từ ngoài rồi từ từ lặng lẽ thâm nhập vào miền đất thâm u nơi tâm hồn Mị. Những từ tượng thanh kết hợp nghệ thuật đảo âm tiết, đảo từ đã khiến những thanh âm của thứ nhạc cụ kì diệu ấy trở nên sống động, có hồn, có nhịp thở và ấn tượng xiết bao. Và nhờ đó, những cung bậc cảm xúc của Mị trở nên phong phú, cụ thể và hợp lý đến bất ngờ. Tuy nhiên đó chưa phải tất cả, nói tới Tô Hoài người ta không thể không nhắc tới danh hiệu “ nhà văn của phong tục”. Đoạn trích đêm tình mùa xuân của Vợ chồng A Phủ đã thực sự mở rộng lăng kính và vốn hiểu biết của người đọc. Những hoạt động vui xuân cổ truyền của người dân Hồng Ngài như “chơi quay, đánh pao, thổi sáo, thổi kèn..” quả thực đã vẽ nên một thiên họa tuyệt mĩ về tập tục văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc của miền cao Tây Bắc khiến lồng ngực độc giả cũng phải thổn thức theo từng nhịp.
Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cải hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thuỷ chung”. Thực vậy, trong đoạn trích phần đầu của tác phẩm“ Vợ chồng A Phủ” ,mặc dù nhìn chung, đó là bức họa hiện thực trần trụi đầy màu đen, phơi bày bộ mặt thật của bọn phong kiến chúa đất nơi miền núi song đó cũng là pho tượng nghệ thuật tuyệt vời về sức sống tiềm tàng mãnh liệt, luôn âm ỉ cháy trong lồng ngực của những con người lao động lam lũ nơi đây. Phải chăng đây chính là “ hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người “ mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng nhắc tới? Tác phẩm Vợ chồng A Phủ dẫu ra đời từ năm 1952 nhưng cho tới nay, qua bao năm thiên truyện vẫn giữ nguyên giá trị như thuở sơ nguyên ban đầu, vượt qua mọi băng hoại của thời gian và lưu giữ trong trái tim người đọc, có lẽ chính là nhờ ánh sáng thủy chung của “hạt ngọc ẩn sâu” nơi đáy vực con người, hạt ngọc của những ước vọng, khát khao được sống, được tự do và hạnh phúc mãi sáng lên trong trái tim của những con người lao động miền sơn cước như nhân vật Mị của nhà văn Tô Hoài.
Nguồn: Sưu tập