Hãy cùng khám phá một chủ đề thú vị và đầy ý nghĩa: Khiêm tốn! Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về nghị luận xã hội xoay quanh đức tính quý báu này qua bài viết mà Onthidgnl đã chia sẻ. Chắc chắn rằng, những kiến thức và kỹ năng từ bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các bạn tự tin hơn trong việc viết và trình bày ý kiến của mình về một giá trị nhân văn quan trọng trong cuộc sống. Hãy cùng nhau khám phá nhé!
Nghị luận xã hội về khiêm tốn
Từng có người nói rằng: “Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời”. Quả thật, lòng khiêm tốn như một chiếc la bàn chỉ đường dẫn lối ta đến con đường của sự thành công. Có lẽ vì vậy mà Ăng-ghen cũng có câu nói: “Trang bị quý giá nhất của con người là khiêm tốn và giản dị”. Thật khó có thể phủ nhận rằng đức tính khiêm tốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Vậy đức tính khiêm tốn là gì? Khiêm tốn là luôn có thái độ đánh giá đúng năng lực và khả năng trong công việc và học tập, không cho rằng bản thân giỏi, không tự kiêu, tự mãn cho rằng mình hơn người. Người có lòng khiêm tốn là người luôn nhã nhặn, nhún nhường, tiếp thu ý kiến của người khác, không cho rằng bản thân mình giỏi. Không những vậy, đối với thành công của mình, người khiêm tốn luôn cho rằng đó chỉ là điều nhỏ nhoi, kém cỏi.
Tại sao con người lại cần có lòng khiêm tốn? Đó là bởi cuộc đời như một cuộc đua, con người không thể không ngừng học hỏi và rèn luyện để hoàn thiện bản thân hơn. Thế nên chúng ta cần phải có lòng khiêm tốn. Đức tính khiêm tốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với mỗi cá nhân mà với cả xã hội. Đối với bản thân, người khiêm tốn luôn nhận được thiện cảm và đánh giá cao từ những người xung quanh. Lòng khiêm tốn còn giúp cá nhân nhận ra những thiếu sót để tự hoàn thiện, mài giũa năng lực và ngày càng tiến bộ, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Bên cạnh đó, lòng khiêm tốn chính là động lực thúc đẩy sự phấn đấu giúp con người thành công trong mọi việc. Hơn hết, người khiêm tốn luôn biết lắng nghe và sẵn sàng nhận sai nên thường nhận được sự góp ý hữu ích và giúp đỡ chân thành từ người khác. Quan trọng hơn cả, lòng khiêm tốn sẽ đồng hành với nhiều đức tính tốt đẹp khác như thật thà, chân thành, tôn trọng người khác,… và họ sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng. Mặt khác, đối với xã hội, khi chúng ta có lòng khiêm tốn thì mối quan hệ giữa con người với con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn, từ đó góp phần giúp xã hội văn minh, phát triển hơn.
Trong cuộc sống, ta có thể bắt gặp rất nhiều tấm gương về lòng trung thực. Bác Hồ có một cuộc sống hết sức khiêm tốn. Mặc dù trên cương vị là chủ tịch nước Việt Nam thời bấy giờ, nhưng Người vẫn sống trong một ngôi nhà sàn gỗ mộc mạc, đơn sơ, người vẫn ăn uống đạm bạc, không cầu kì: “Thường ngày, bữa cơm của Bác chỉ có vài ba món rất bình dị. Bác thích ăn cơm với cá kho tương và cà pháo muối – món ăn mà người Nghệ An, quê Bác thường dùng” (Phong cách Hồ Chí Minh-Lê Anh Trà). Quả thật bác có lối sống vô cùng khiêm tốn, vì vậy người luôn được yêu quý, ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, Adele là cô ca sĩ nổi tiếng của nước Anh với giọng hát đầy nội lực, có sức truyền cảm với hàng triệu người nghe nhạc trên thế giới nhưng khi nói về vai trò của người ca sĩ, cô vẫn khiêm tốn thừa nhận “Tôi chỉ là một cô nàng bình thường thôi, danh xưng ca sĩ thật quá tầm với tôi”. Nếu không có lòng khiêm tốn, chắc hẳn Adele đã không đạt được thành công như hiện tại.
Quả thật , khiêm tốn là đức tính cần thiết của con người. Tuy vậy, thật đáng buồn thay, trong cuộc sống này vẫn còn những người kiêu ngạo, tự mãn. Chắc hẳn, họ sẽ khó đạt được được thành công trong cuộc sống nếu không thay đổi bản thân. Bên cạnh đó, quả thật khiêm tốn là yếu tố quan trọng để đạt được thành công, nhưng ngoài khiêm tốn ta còn cần học tập, rèn luyện, phải có ý chí nghị lực nếu thực sự muốn bước lên đỉnh vinh quang của cuộc đời. Ngoài ra, lòng khiêm tốn là không cho bản thân mình giỏi, thấy mình vẫn cần học hỏi, trau dồi thêm, điều này khác với sự tự ti, nhút nhát, không dám khẳng định chính mình.
Như vậy, mỗi chúng ta cần hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của khiêm tốn. Từ đó, mỗi chúng ta cần phải trau dồi tính khiêm tốn qua những việc như học đức tính hòa nhã, không tham vọng, không cho thành công của mình là lớn lao, là vĩ đại,…
Tóm lại, khiêm tốn là đức tính mà mỗi người cần có. Quả thật “Đời là cuộc thi chạy marathon, không phải chạy nước rút”, vì thế chúng ta phải luôn trau dồi bản thân, nâng cấp chính mình từng ngày, và lòng khiêm tốn là một trong những đức tính quan trọng mà chúng ta cần rèn luyện ngay từ bây giờ.
PDF Nghị luận xã hội về khiêm tốn
https://drive.google.com/file/d/165TR-n-XZG7EnO1iBRV3s3hASFR4lTVp/view?usp=sharing
Hy vọng rằng bài mẫu nghị luận xã hội ở trên sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Youtube: