Hãy cùng khám phá một chủ đề vô cùng thú vị và cấp bách: hiện tượng biến đổi khí hậu! Dưới đây là nội dung nghị luận xã hội mà Onthidgnl đã chia sẻ. Những kiến thức và ý tưởng trong bài viết này không chỉ giúp các bạn rèn luyện kỹ năng viết mà còn mở mang nhận thức về một trong những vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta. Hãy cùng nhau tìm hiểu và nâng cao khả năng nghị luận xã hội của mình nhé!
Nghị luận xã hội về hiện tượng biến đổi khí hậu
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chia sẻ: ‘‘Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề xa vời nữa, nó đang xảy ra ở đây, ngay bây giờ’’. Lời cảnh báo này của vị tổng thống Mỹ đã cho thấy mức độ nguy hiểm và cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Quả thực môi trường xung quanh ta ngày càng ô nhiễm và sự biến đổi khí hậu đang trở nên nghiêm trọng. Mỗi việc làm, mỗi hành động tiêu cực của chúng ta đối với môi trường ngày hôm nay có thể ảnh hưởng lớn đến bản thân ta nói riêng và cả thế giới nói chung. Sự thay đổi hiện nay phần lớn là do con người gây nên dẫn đến việc thiên nhiên tức giận làm cho sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng đáng báo động. Biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sức khỏe con người, đó là vấn đề nhức nhối cần có hướng giải quyết để bảo vệ môi trường sống quanh ta và cuộc sống của toàn nhân loại.
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi đột ngột của thời tiết như nắng nóng, khô hạn, mưa bão, lũ lụt, sóng thần đều xuất phát từ sự biến đổi khí hậu. Nhắc đến biến đổi khí hậu nghĩa là chúng ta đã hiểu ngay theo chiều hướng xấu gây ảnh hưởng đến con người, các sinh vật và các hệ sinh thái đang tồn tại trên trái đất. Sự tác động của thiên nhiên hoặc con người sẽ làm thay đổi thời tiết, nhiệt độ, lượng mưa, sinh ra các hiện tượng bất thường gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học đã cảnh báo rất lâu từ trước cho chúng ta về biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng do ý thức của mỗi người mà sự việc đang trở thành vấn đề cần bàn luận với những lý do khiến cho trái đất thay đổi lạ thường trong những năm gần đây. Đầu tiên việc ý thức của mỗi người là rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính làm cho trái đất đang ngày một nóng lên với tốc độ nhanh hơn mọi thời điểm từng ghi nhận trong lịch, sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển do các hoạt động của con người. Các ngành công nghiệp và sản xuất tạo ra khí thải, phần lớn là từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng nhằm sản xuất điện, xi măng, sắt, thép, nhựa, và các mặt hàng khác. Các loại máy móc dùng trong quá trình sản xuất thường hoạt động nhờ than, dầu hoặc khí đốt việc này kéo theo hệ lụy do lượng khí thải công nghiệp, chất thải ra môi trường ngày càng lớn. Ngành công nghiệp sản xuất là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó việc con người khai thác rừng, chặt phá những hàng cây xanh làm giảm khả năng tự nhiên của việc giảm khí thải trong bầu khí quyển, sự phá hủy tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên làm thay đổi hệ sinh thái, khiến cho một số loài động, thực vật không có nơi sinh sống và có nguy cơ tuyệt chủng cao. Những phương tiện như ô tô, xe tải, tàu thuyền và máy bay đều hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải lượng khí nhà kính lớn. Các lượng khí thải từ tàu thuyền và máy bay vẫn tiếp tục tăng điều này cho thấy việc sử dụng năng lương cho giao thương vận tải trong những năm tiếp theo sẽ gia tăng đáng kể. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong đó có trồng trọt và chăn nuôi việc sản xuất và sử dụng phân bón để trồng trọt cũng như sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch để sử dụng các thiết bị trong nông trại trở thành một phần gây ra biến đổi khí hậu. Những nguyên nhân trên là lý do làm cho trái đất thay đổi theo chiều hướng xấu, biến đổi khí hậu trong thời đại này đều bắt nguồn từ những hành động và sự tác động của con người.
Trước đây, chúng ta đều biết biến đổi khí hậu xảy ra là do các điều kiện tự nhiên nhưng theo sự phát triển hiện nay thì biến đổi khí hậu là sự tác động từ con người. Việt Nam là một trong những nước chịu sự tác động lớn của biến đổi khí hậu. Mỗi năm, Việt Nam đều hứng chịu những cơn bão lớn, lũ lụt thiên tai gây ra hậu quả lớn về người, vật chất và của cải. Như năm 2017, được xem là năm kỷ lục của thảm họa thiên tai ở Việt Nam. Trong năm đó, có đến 16 cơn bão, hết cơn bão này qua lại đến cơn bão khác. Việt Nam hứng chịu 18 đến 19 cơn lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Nhân loại đang đối diện với sự nóng lên từ trái đất gây ra, Liên Hợp Quốc cho biết về tác động của trái đất nóng lên đó là hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển có nguy cơ đối mặt với việc ngập lụt, 50% dân số thế giới nằm trong vùng nguy hiểm, 14% số loài sinh vật trên cạn có nguy cơ tuyệt chủng cao nếu như tình trạng trái đất nóng lên ngày một cao và vẫn kéo dài. Theo ước tính, diện tích lớp băng ở Bắc Băng Dương đã giảm 40% trong vòng 40 năm qua. Việc băng tan ở hai cực không chỉ góp phần vào việc mực nước biển dâng cao mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và khí hậu toàn cầu. Mực nước biển dâng cao do nhiệt độ tăng cao, khiến băng tan ở hai cực và các sông băng. Theo dự báo, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1 mét vào cuối thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng ven biển, đảo quốc và các khu vực đồng bằng thấp. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, nếu toàn bộ băng ở Greenland tan hết, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 7m. Tình trạng nóng lên toàn cầu có những tác động xấu đến môi trường, con người, các sinh vật và hệ sinh thái, các bệnh dịch diễn ra nhiều hơn, sinh ra nhiều loại bệnh, loại virus mới.
Biến đổi khí hậu phản ánh sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết. Thời gian đang làm thay đổi hiện tượng thời tiết và phá vỡ sự cân bằng của thiên nhiên. Gần như tất cả các khu vực trên thế giới đang chứng kiến nhiều ngày nắng nóng, gia tăng các yếu tố khiến nhiều người rơi vào tình trạng thiếu lương thực do mùa màng giảm suất. Nhiệt độ cao dễ xảy ra tình trạng cháy rừng hơn khi ở điều kiện nóng làm mất cân bằng hệ sinh thái, sự tồn tại của nhiều loài động vật. Hạn hán có thể gây ra các cơn bão cát và bão bụi xuyên qua các lục địa, ở nhiều vùng nước trở nên khan hiếm, có nơi khô hạn đến mức không có nước trong thời gian dài. Đại dương chịu sự hấp thụ nhiệt do sự nóng lên của trái đất vì vậy mà hiện tượng làm chảy các tảng băng khiến mực nước biển dâng cao gây nguy hiểm cho các loài sinh vật đang sinh sống dưới biển. Các thảm họa liên quan đến thời tiết có thể phá huỷ cuộc sống của nhiều người gây thiệt hại về nhà cửa, kinh tế khiến họ trở nên nghèo đói. Các tác động xấu từ biến đổi khí hậu như ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí tạo điều kiện cho nhiều loài vi khuẩn sinh sôi và phát triển cơ thể chúng có thể lay lan, truyền nhiễm gây ra những bệnh dịch hoặc các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe hay nghiêm trọng hơn là liên quan đến tính mạng con người. Biến đổi khí hậu đem đến hậu quả nghiêm trọng cho sự sống con người, không chỉ làm thay đổi môi trường sống mà còn làm mất môi trường sống tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề cấp bách mà con người cần phải giải quyết. Do vấn đề này không thể giải quyết một cách nhanh chóng mà cần có nhiều thời gian, nên hiện tại chúng ta chỉ có thể tìm ra những cách có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là nâng cao ý thức của mỗi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Các cá nhân, cộng đồng cần cùng chung tay tham gia trồng nhiều cây xanh và bảo vệ rừng để duy trì sự sống cho loài động thực vật. Quản lý rác và các chất thải môi trường để giảm thiểu khí thải và mức độ ô nhiễm cho các sông ngòi và đại dương. Hạn chế sử dụng nhựa, túi ni-lông, hay các vật dụng không thể tái chế làm tạo thêm lượng chất thải, nên ưu tiên vật dụng có thể tái sử dụng hay tái chế hoặc dùng sản phẩm có thời gian phân hủy nhanh để thay thế cho nhựa. Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió và thủy điện để thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ và khí đốt để giảm nhiên liệu cho giao thông, đồng thời nên tích cực sử dụng các phương tiện công cộng hoặc đi bộ, đi xe đạp hay hình thức vận chuyển khác không đòi hỏi thứ gì ngoài năng lượng con người. Trong tương lai một trong những giải pháp đầy tiềm năng để giải quyết vấn đề khí hậu là sử dụng công nghệ AI. Với nhiều khả năng vượt trội, AI có thể ứng phó và giảm thiểu hậu quả do biến đổi khí hậu đối với các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải. Điều cuối cùng là cần nhanh chóng kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng toàn cầu cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bảo vệ trái đất là trách nhiệm của toàn nhân loại. Chúng ta không thể thờ ơ bỏ mặc vì nó liên quan đến sự sống của con người. Mọi người cần ý thức những ảnh hưởng xấu của hiện tượng để ứng phó trước những tác động của biến đổi khí hậu. Mỗi cá nhân hãy cùng bạn bè, gia đình và nhà trường tìm hiểu về biến đổi khí hậu và tìm cách bảo vệ bản thân tránh tác động không tốt từ biến đổi khí hậu. Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ dần dần những việc làm đó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta. Vì một môi trường sống trong lành, vì sức khỏe của chúng ta, vì sự sống của nhân loại. Hãy chung tay bảo vệ môi trường để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, không chỉ một người mà hàng triệu người đoàn kết cùng thay đổi và tham gia để giữ gìn, bảo vệ hành tinh xanh cho thế hệ hôm nay và mai sau.
—
File PDF Nghị luận xã hội về hiện tượng biến đổi khí hậu
https://drive.google.com/file/d/1CtlJmjSKu2qcbgDtZIzOlCil73VaB78r/view?usp=sharing
Hy vọng rằng bài mẫu nghị luận xã hội ở trên sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Youtube: