Hãy cùng khám phá một chủ đề thú vị và vô cùng ý nghĩa: giá trị của hòa bình trong cuộc sống! Onthidgnl đã chia sẻ những nội dung rất bổ ích về nghị luận xã hội mà bạn không nên bỏ lỡ. Bài viết mẫu dưới đây sẽ giúp bạn trau dồi kỹ năng viết văn nghị luận xã hội một cách hiệu quả và sáng tạo hơn. Hãy cùng nhau tìm hiểu và rèn luyện nhé!
Nghị luận xã hội về giá trị của hòa bình trong cuộc sống
Tiếng nói của nhà triết học Ralph Waldo Emerson vang vọng qua bao thế kỷ: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”. Trên hành trình dài của lịch sử, con người đã phải trải qua biết bao đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Giữa những đổ nát hoang tàn, tiếng khóc than ai oán, con người càng thêm trân quý giá trị của hòa bình. Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng tiếng súng đạn, mà còn là sự đồng lòng, hòa hợp giữa người với người, giữa dân tộc với dân tộc. Sự hòa bình là nền tảng cho mọi sự phát triển, là điều kiện quyết định cho hạnh phúc của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Được sinh ra và sống trong hòa bình là một món quà vô giá mà con người nhận được và để nhận được sự may mắn đó con người đã phải trải qua nhiều mất mát để nhận ra giá trị của hòa bình trong cuộc sống này.
Hòa bình là một trạng thái không có chiến tranh, xung đột vũ trang hay bạo lực nào xảy ra. Hòa bình luôn là biểu tượng của sự bình yên, là giá trị sống cơ bản đầu tiên, là điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển. Hòa bình không chỉ mang lại sự an toàn, ổn định trong xã hội mà còn giúp cho con người ta được sống vui vẻ, hạnh phúc, hòa thuận và không có sự đấu đá vì bất cứ lợi ích gì. Để có được môi trường hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải trải qua rất nhiều đau thương, mất mát từ những cuộc chiến khốc liệt trong lịch sử, để lại cho rất nhiều gia đình những hệ lụy mãi cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa thể khắc phục được hết. Vì thế, trong chính mỗi chúng ta phải hiểu được giá trị của hòa bình hơn bao giờ hết.
Giá trị của hòa bình trong cuộc sống là vô cùng to lớn và quý giá. Hòa bình chính là khát vọng chung của toàn nhân loại, là điều kiện đầu tiên cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Chiến tranh tàn khốc đã cướp đi biết bao sinh mạng của người vô tội, gieo rắc nhiều sự đau thương và mất mát cho bao gia đình. Hòa bình mang lại sự an toàn giúp con người không lo lắng về chiến tranh, bạo lực. Họ có thể tận hưởng cuộc sống tự do, thoải mái và vun đắp những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Hòa bình tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Khi đất nước không có chiến tranh, người dân có thể yên tâm lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hòa bình thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới. Các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Chiến tranh gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Hòa bình giúp bảo vệ môi trường sống, tạo điều kiện cho con người phát triển bền vững. Trong thời chiến, việc học tập thường bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hòa bình là nền tảng cho sự phát triển của giáo dục giúp trẻ em được học tập trong điều kiện tốt nhất, phát triển trí tuệ và kỹ năng sống. Bên cạnh đó, hòa bình còn là cơ hội để giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu như biến đổi khí hậu, nghèo đói, dịch bệnh. Khi các quốc gia chung sống hòa bình, có thể hợp tác để giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả hơn. Để gìn giữ hòa bình, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân cần chung tay góp sức. Hòa bình không chỉ đơn thuần là sự vắng bóng chiến tranh, mà còn là trạng thái an ninh, ổn định, là sự hòa hợp, đoàn kết giữa con người với nhau. Đó là môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân được tự do phát huy năng lực, sáng tạo, cống hiến cho cộng đồng như một lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị to lớn và tầm quan trọng vô giá của hòa bình trong cuộc sống con người.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã tập trung vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nhờ sự hòa bình, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Kinh tế xã hội ổn định và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh, an ninh quốc phòng được giữ vững. Hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Điều đó cho ta thấy hòa bình có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1945, tổ chức đồng hành cùng các nước trên thế giới chung tay xây dựng Liên Hợp Quốc với mục đích duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Liên Hợp Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Tổ chức tiếp tục phát triển và mở rộng vai trò của mình qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, tham gia vào các nỗ lực giải quyết xung đột, phòng ngừa xung đột, và thúc đẩy phát triển toàn cầu. Để giành lấy sự hòa bình đã có nhiều người đã ngã xuống hy sinh, một trong số đó có anh hùng Phan Đình Giót ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Để góp phần vào sự thành công của Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, trong trận Him Lam ngày 13/3/1954 khi quyết hy sinh vì đất nước, anh hùng Phan Đình Giót đã dướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch, mở đường cho các đồng đội xông lên chiến đấu và giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy đã giúp đồng đội chiến thắng nhưng người anh đã hy sinh vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Anh là người chiến sĩ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngược lại, việc đạt được hòa bình không phải lúc nào cũng dễ dàng, vẫn còn nhiều người không nhận thức được tầm quan trọng của hòa bình và tiếp tục sống trong sự thờ ơ, vô cảm lạc quan vô lý và thiếu sự nhạy cảm đối với môi trường xã hội xung quanh họ. Những hành vi này cần được phê phán và chấn chỉnh để tạo ra một xã hội hòa bình và phát triển không phải lúc nào cũng dễ dàng duy trì và bảo vệ hòa bình. Có những lực lượng và yếu tố đe dọa sự hòa bình như sự xâm phạm lãnh thổ, ganh ghét và kỳ thị chủng tộc. Có những thách thức và nguy cơ đe dọa sự hòa bình như sự kỳ thị, xung đột lãnh thổ và sự mất cân bằng về quyền lợi và tài nguyên.
Hòa bình tựa như ánh mặt trời rực rỡ, xua tan màn đêm u tối, mang đến cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giữ gìn hòa bình là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia. Con người cần chung tay giải quyết các mâu thuẫn, bất công, đẩy lùi vấn nạn bạo lực và khủng bố để gìn giữ hòa bình cho cuộc sống. Hành động từ những việc nhỏ nhất, như nở một nụ cười, nói một lời chào hỏi thân thiện, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại địa phương và ủng hộ các tổ chức hoạt động vì hòa bình. Cùng tưởng tượng một thế giới tràn ngập tiếng cười, nơi con người chung sống hòa bình và yêu thương lẫn nhau, để mỗi ngày khi thức dậy luôn là một ngày hòa bình. Hãy giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình để vun đắp cho một tương lai tươi sáng. Luôn ghi nhớ chân lý vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh ‘‘Không có gì quý hơn độc lập, tự do’’.
—
File PDF Nghị luận xã hội về giá trị của hòa bình trong cuộc sống
https://drive.google.com/file/d/1tA-Uxm0cmq7d0jm6IF6pHBLbsJtSU0dJ/view?usp=sharing
Hy vọng rằng bài mẫu nghị luận xã hội ở trên sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Youtube: