Hãy cùng nhau khám phá một chủ đề thú vị và đầy ý nghĩa: CỐNG HIẾN! Onthidgnl đã chia sẻ những nội dung nghị luận xã hội rất hữu ích mà bạn có thể tham khảo. Bài văn mẫu dưới đây không chỉ giúp bạn nắm vững kỹ năng viết mà còn mở ra những góc nhìn mới mẻ về tinh thần cống hiến trong cuộc sống. Hãy cùng nhau tìm hiểu và trau dồi khả năng viết của bạn nhé!
Nghị luận xã hội về CỐNG HIẾN
“Tìm đúng chỗ của mình thật khó
Chỉ một chỗ đứng chân nho nhỏ
Nhưng phải đúng của mình
Như bến của thuyền, như én mùa xuân
Bởi vì sống chẳng đơn thuần là tồn tại”
Vần thơ của thi sĩ Nguyễn Quảng Hà cất lên khiến trái tim tôi trở nên rạo rực tự vấn lòng mình. Phải chăng sống trên cõi đời này chẳng phải một chuyện đơn giản? Sống là một trách nhiệm cao cả mà tạo hóa ban cho, thứ ấy là điều quý giá nhất của một kiếp người. Sống là để lưu lại dấu ấn, khẳng định bản thân và khắc lên những giá trị cao cả cho cộng đồng. Để cuộc sống có ý nghĩa hơn ta cần lắm cho mình lối sống cống hiến.
“Cống hiến” – tuy vỏn vẹn hai chữ nhưng nó lại gánh một trách nhiệm cao cả. Lối sống cống hiến là sự tự nguyện, những mong muốn xuất phát từ trong thâm tâm để trao đi những giá trị tích cực đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, không mưu cầu nhận lại. Phải chăng những điều đó chỉ xảy ra khi nói về chiến tranh, thời kỳ mưa bom bão đạn?Chắc chắn là không, cống hiến không hẳn là những việc làm đao to búa lớn, có công với nước nhà mà cống hiến cũng được công nhận với những hành động nhỏ đến từ mỗi cá nhân chúng ta.
Eleanor Roosevelt- chính khách Mỹ từng khẳng định tầm quan trọng của cống hiến rằng: “ Khi bạn không còn cống hiến nữa, bạn bắt đầu chết dần”. “Chết” ở đây chính là cái chết trong tâm hồn, cái chết này tách con người ra khỏi cuộc sống thực tại, ra khỏi mối liên hệ với xã hội loài người. Con người dường như khó hòa nhập vào cuộc sống, nhưng đổi lại nếu bạn luôn đốt “ngọn đuốc cống hiến” trong tim, bạn sẽ nhận về nhiều giá trị. Điều dễ thấy đầu tiên, khi bạn cống hiến bạn sẽ nhận về niềm tin tưởng, sự kính mến, niềm trân trọng của mọi người, bạn sẽ nhận về nhiều hơn sự giúp đỡ bởi trao đi là nhận lại. Hơn hết, việc làm ấy còn là để khẳng định giá trị bản thân, được hòa nhập vào cộng đồng để nâng cao và phát triển tựa như câu nói của Đức Phật:” Giọt nước chỉ khi hòa vào biển cả mới không cạn”. Và thứ quan trọng của lối sống cống hiến phải nhắc tới đó là nếu hôm nay bạn cống hiến thì mai sau bạn sẽ tích mật cho đời, những thế hệ sau sẽ tiếp nhận giá trị mà bạn cống hiến đó để nâng cao và xây dựng làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh, phát triển hơn.
Cuộc sống tựa như một bộ phim, có những người đã viết lên kịch bản giá trị của cuộc đời họ. Lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc, đã có những anh hùng trẻ gác lại ước mơ hoài bão, gác lại thanh xuân tươi đẹp để “ xếp bút nghiên mực” đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, vì dân vì nước kính yêu. Ngày nay, tiếp nối truyền thống cống hiến của ông cha ta có những người đã quên thân mình để ra sức cứu người giữa biển lửa. Đó là anh Đồng Văn Tuấn, ngay giữa cơn cháy lớn ở phòng trọ tại Hà Nội, thấy có tiếng kêu cứu thất thanh, bất chấp làn khói lớn nghi ngút, bất chấp bản thân có nguy hiểm, chàng trai đã lao vào đám cháy, leo lên thang, dùng búa đập tường để cứu ba người thoát nạn. Thử hỏi nếu anh chỉ nghĩ đến sự an toàn của bản thân thì ba số phận ấy có liệu có thể vượt qua không hay sẽ mãi mãi chờ cứu hộ và rồi bị ngột khói độc. Qua đó, chúng ta càng ngưỡng mộ những tấm gương hiện thân của lối sống cao đẹp, quên thân mình để cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, trong cuộc sống này đâu đó vẫn còn biết bao tâm hồn đang héo úa dưới sự gặm nhấm của thời gian. Có những người họ chỉ lầm lũi nương mình trong sự ích kỷ, vô cảm và thờ ơ, đẩy trách nhiệm cho người khác Chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, chỉ lo vun vén đời sống cá nhân và quay lưng lại với cộng đồng, xã hội. Một số người tự làm mình trở nên xa lánh, không quan tâm đến ai, không biết đến niềm vui nỗi buồn của người khác. Nhìn thấy người gặp khó khăn thì chỉ biết chứng kiến với thái độ “Thờ ơ con mắt lạnh/Nhìn chúng có hề chi” (Tố Hữu). Nếu như một xã hội không ai có tinh thần tự nguyện, không ai cống hiến, một xã hội sẽ mãi mãi không thế phát triển được. Thế nên trước một số bộ phận có lối sống vô cảm ta cần phải phê phán và nhắc nhở họ.
“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta
Mà tự hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”
Những lời bài hát “Khát vọng trẻ” vẫn cứ ngân vang mãi trong nhịp đập của chúng ta. Các bạn trẻ thân mến, lẽ sống cống hiến là một nghĩa cử cao đẹp, chúng ta được sống trong sự ấm no ngày hôm nay là nhờ công lao của các anh hùng đã ngã xuống. Hãy để sự hi sinh ấy là một điều xứng đáng. Mỗi người trẻ chúng ta phải đóng góp cho đời, có trí tuệ đóng góp trí tuệ, có năng lực chúng ta cứu người, bởi lẽ “ sống chẳng đơn thuần là tồn tại”. Là một thế hệ trẻ chúng ta có thể cống hiến bằng cách chăm chỉ học tập để góp phần tô điểm cho cuộc đời, hãy sẵn lòng đứng ra khi tổ quốc cần, hãy luôn giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, luôn biết nhường nhịn và cho đi. Văng vẳng đâu đây tôi chợt nhớ đến bài thơ Một khúc ca của nhà thơ Tố Hữu:
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
File PDF Nghị luận xã hội về CỐNG HIẾN:
https://drive.google.com/file/d/15RYQedo-lqTD4XtrksX3IcrUYm4U4cxU/view?usp=sharing
Hy vọng rằng bài mẫu nghị luận xã hội ở trên sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Youtube: