Cùng tham khảo nội dung về Nghị luận viết đoạn văn phân tích nêu ý nghĩa nhan đề truyện được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo để có kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học 200 chữ đạt điểm cao nhé.
Mục lục
1. Lý thuyết chung
1.1. Cách nhận diện nhan đề
Tên gọi của tác phẩm.
1.2 Cấu trúc đoạn văn phân tích, nêu ý nghĩa nhan đề truyện
– Nêu nhan đề.
– Phân tích, làm rõ các khía cạnh ý nghĩa của nhan đề.
– Đánh giá tác dụng của nhan đề.
1.3. Các bước viết đoạn văn phân tích, nêu ý nghĩa nhan đề truyện
– Bước 1. Tìm hiểu nhan đề
+ Tìm hiểu nghĩa đen/nghĩa câu chữ của nhan đề thông qua giải nghĩa từ và ngữ cảnh của truyện.
+ Suy nghĩ về ý nghĩa hàm ẩn (tượng trưng cho số phận, tính cách, vẻ đẹp,… của nhân vật hoặc gợi ra chủ đề, tư tưởng của truyện).
+ Tìm hiểu sự độc đáo, đặc sắc của nhan đề.
– Bước 2. Viết đoạn văn phân tích, nêu ý nghĩa nhan đề truyện:
+ Viết câu mở đoạn (chứa đựng thông tin về tác phẩm, tác giả và nhận định về nhan đề).
+ Viết các câu văn phân tích nghĩa tường minh và hàm ẩn của nhan đề.
+ Viết câu kết đánh giá tác dụng của nhan đề trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng truyện.
1.4. Một số dạng câu cơ bản
– Câu mở đoạn:
+ … là nhan đề chứa đựng nhiều thông điệp có ý nghĩa của truyện… (tác giả).
+ Một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của truyện… (tác giả) là việc lựa chọn nhan đề…
– Câu thân đoạn:
+ Gắn với nội dung của truyện, nhan đề… là sự gợi mở về cuộc sống/số phận/vẻ đẹp,… của nhân vật… hoặc gợi mở hiện thực…
+ Nhan đề… không chỉ phản ánh hiện thực… hoặc cho thấy cuộc sống của một nhân vật mà còn chứa đựng bên trong ý nghĩa tượng trưng về…
+ Giả sử nhà văn không dùng tên gọi này mà đặt một cái tên khác, chắng hạn như… thì tác phẩm hẳn là đã mất đi nhiều sức hấp dẫn.
– Câu kết đoạn:
+ Tóm lại, là yếu tố đầu tiên đến với bạn đọc, nhan đề… thực sự đã đem đến những ấn tượng ban đầu khó quên.
+ Qua nhan đề…, có thể nhận ra chủ đề/thông điệp mà người viết muốn chuyển tải về…
2. Đề minh họa
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ý nghĩa nhan đề “Chuồn chuồn đạp nước” trong đoạn trích sau:
Bữa cơm tối đó cha ăn một cách gượng gạo. Gắp cho nhỏ con cái đùi gà hấp rau răm, mẹ nói mẹ phải đi mấy cái chợ mới mua được gà thả vườn, cha mới nhận ra trên mâm có thịt gà. Một cơn khó chịu nào đó đầy ứ trong cổ họng cha, vợ không gắp cái đùi gà còn lại cho mình, chuyện này chắc có liên quan tới vụ chuồn chuồn đạp nước mà nhỏ con kể lúc chiều. Khi đó mẹ đã cười ngặt nghẽo, vậy mà ba mầy toàn viết văn dạy đời thiên hạ. Cha chép miệng, con người là con… người, cũng có lúc lẫn lộn, em cũng mang dép lộn hoài đó.
Nhưng cha biết mang dép lộn không thể xếp chung với chuyện chuồn chuồn đạp nước. Cha nghi ngờ đáp án của chương trình, ngay trong khoảnh khắc ở trường quay và khi nằm trên ghế bố trong phòng, cha thấy hình ảnh con chuồn chuồn đang vào độ tuổi yêu, khao khát bạn tình, cô đơn soi bóng mình trên sóng nước là quá chừng có lý. Cha vùng dậy, chui xuống gầm sàn lục tìm cuốn sách Thế giới loài vật mà tháng trước dọn dẹp cơ quan cha quẳng về nhà. Cuốn sách mất tăm. Chỉ có một đống rác, cha cằn nhằn, nhà có hai người phụ nữ mà dơ như vầy, thiệt hết chịu nỗi.
Cha mặc quần áo xách xe đi, mẹ cầm cây chổi nhìn theo cái lưng dài thượt của cha tự hỏi tại sao chỉ vài tấm giấy báo mà mặt mày cha nghiêm trọng vậy. Chạy mông mênh, cha vẫn không biết mình đang đi đâu. Rút điện thoại gọi cho ông bạn, rủ ra quán văn nghệ, câu đầu tiên khi bạn kéo ghế ngồi là:
– Chuồn chuồn đạp nước là nó đẻ hả mậy?
Ông bạn gật đầu cái rụp, không mảy may suy nghĩ như đó là chuyện đương nhiên mặt trời mọc ở đằng Đông.
– Ừ, bộ mầy chưa biết hả?
Cha muốn bỏ về. Ông bạn này làm thơ, dân làm thơ ngu ngơ trên trời với mây gió, vậy mà ông biết chuyện sinh đẻ của chuồn chuồn. Còn cha thì không. Cái ý nghĩ đó làm cha buồn nẫu nê, bia ngon bao đời nay bỗng dưng đắng đót. Ông bạn nghe kể lại chuyện ở trường quay, ông cố làm ra vẻ mặt nghiêm túc để nén cười, để nói một câu nghiêm túc:
– Thôi bỏ qua mầy ơi, đâu phải cái gì người ta cũng biết hết.
– Ừ, nhưng không biết vụ này thì mất mặt quá, mầy.
Bạn nhà thơ cười ha ha:
– Quan trọng là người ta trong mắt mình như thế nào. Tao thấy mầy cứ mệt mỏi vì chuyện mình như thế nào trong mắt người ta.
Nhưng đây không phải là người ta, đây là vợ và con mình, cha nghĩ vậy nhưng không còn sức để cãi. Cha về nhà và ngủ một giấc với hy vọng, khi thức dậy cha quên cơn ác mộng mang tên con chuồn chuồn này, thức dậy với một bình minh khác.
(Trích Chuồn chuồn đạp nước, Nguyễn Ngọc Tư, báo Tuổi trẻ online, ngày 09/2/2008)
HƯỚNG DẪN VIẾT ĐOẠN VĂN
Mở đoạn
Nêu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa nhan đề “Chuồn chuồn đạp nước” trong đoạn trích.
Thân đoạn
– Ý nghĩa nhan đề của đoạn trích:
+ Gợi mở về cuộc sống của nhân vật cha trong gia đình.
+ Ý nghĩa sâu xa về sự tự ti và cảm giác phải hoàn thiện bản thân mà nhân vật tự đặt ra.
+ Phản ánh hiện thực việc người cha tham gia chương trình hỏi đáp và không biết chính xác hành vi của loài chuồn chuồn khi “đạp nước” khiến ông trở nên bối rối và xấu hổ.
– Ý nghĩa tượng trưng về những suy tư về sự tự ti và nhu cầu được công nhận của con người. Cha trong truyện là người hay “dạy đời thiên hạ” qua những gì ông viết, nhưng khi đối diện với một điều giản đơn mà mình không biết, ông nhận ra mình cũng chỉ là một con người, không phải lúc nào cũng hiểu biết toàn diện.
Kết đoạn
Thông điệp mà người viết muốn chuyển tải ẩn chứa ý niệm về giới hạn hiểu biết và chấp nhận sự không hoàn hảo của con người.
Tham khảo bài viết hoàn chỉnh
Xem thêm:
…
Hy vọng bài viết “Nghị luận viết đoạn văn phân tích nêu ý nghĩa nhan đề truyện”… này sẽ là nguồn tài liệu giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức và tự tin làm bài hơn trong môn ngữ văn ôn thi THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7