Sau đây, Onthidgnl sẽ hướng dẫn các em làm bài Phân tích Bức tranh tứ bình Việt Bắc nhé. Nội dung bao gồm phân tích Việt Bắc và các bài văn mẫu tham khảo cuối bài. Các em tham khảo và triển khai làm bài thật tốt theo cảm nhận của bản thân nhé.
Đề bài: Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc”, từ đó nhận xét về hồn thơ đậm đà tính dân tộc của nhà thơ Tố Hữu.
Mục lục
Khái quát tác giả, tác phẩm Việt Bắc
Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc.
- Hồn thơ luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
- Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi, coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện và cũng là nguồn cảm hứng cho thơ.
- Những tư tưởng lớn của thời đại, những tình cảm lớn của con người, những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc được phản ánh qua giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, thương mến.
Bài thơ “Việt Bắc” được viết sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô.
- Nhân sự kiện có tính chất lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác thi phẩm để ghi lại không khí bịn rịn, nhớ thương của kẻ ở người đi.
- “Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên.” (Xuân Diệu)
Phân tích vấn đề nghị luận:
Bức tranh tứ bình:
Tranh Tứ Bình là bộ tranh lấy 4 loài hoa làm biểu tượng cho 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông; 4 loại hoa được chọn lọc, cắt tỉa nghệ thuật và cắm trong 4 cái “Bình”; 4 cái bình lại được đặt trang trọng trên 4 cái kệ, kèm theo một số loại quả và vật dụng nhằm miêu tả “mùa nào thức ấy”.
Mỗi bộ tranh tứ quý đều mang những ý nghĩa đặc biệt riêng thể hiện hàm ý về thời gian cũng như cuộc sống xoay chuyển của con người. Thời gian ở đây được hiểu với tính chất luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt cùng với quy luật nhân quả diễn ra nối tiếp nhau tạo nên cuộc sống đầy thú vị.
Nhà thơ Tố Hữu đã khéo léo đưa hình ảnh của bức tranh phong thủy vào nỗi nhớ về Việt Bắc, tạo nên những vần thơ hoài cổ, duyên dáng và thấm đẫm cảm xúc.
Hai câu thơ dẫn dắt:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
Hai câu thơ đầu là lời ướm hỏi của người ra đi băn khoăn về tình cảm ở lại với mình để từ đó giãi bày tâm tư, nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Điệp ngữ “ta về” được tác giả nhắc đi nhắc lại đến hai lần nhằm nhấn mạnh sự chia xa đầy nhớ thương, luyến tiếc của kẻ ở , người đi.
“Những hoa cùng người” : ở cụm từ này Tố Hữu đã sử dụng rất linh hoạt câu tục ngữ “người ta là hoa đất” để đưa vào thơ. Phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh con người là bông hoa rực rỡ trong núi rừng Tây Bắc? Hay tấm lòng nghĩa tình trong tim nhân dân Việt Bắc khiến họ trở nên đẹp đẽ như những đoá hoa? Có lẽ, chính vẻ đẹp tâm hồn của họ đã khiến những con người bé nhỏ có vẻ đẹp sánh ngang với tạo hóa, thiên nhiên, đất trời…
Bức tranh mùa đông:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Ở câu thơ đầu tác giả đã sử dụng bút pháp chấm phá đầy độc đáo. Nổi bật trên nền xanh rộng lớn của những cánh rừng bạt ngàn là màu đỏ tươi, rực rỡ của bông hoa chuối.
Gam màu đỏ ấy không những khiến con người ta liên tưởng đến hình ảnh ngọn đuốc xua tan cái băng giá, rét buốt của mùa đông mà còn gợi ra một liên tưởng thi vị. Những bông hoa chuối ấy như những bàn tay vẫy chào tạm biệt người cán bộ về xuôi, vì nó sợ người ra đi không nhìn thấy nên đã “cố tình” nở rộ một cách rực rỡ với gam màu đỏ chói chang
nhất.
( Liên hệ :
“ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”)
Trong góc nhìn đầy xúc cảm của những thi sĩ, thiên nhiên cũng có những tâm tư riêng – và đôi khi sắc màu của cỏ cây, vạn vật, cũng ẩn chứa một thông điệp từ tạo hóa.
Câu thơ thứ hai đã gợi ra hình ảnh những tia nắng ánh lên từ con dao gài thắt lưng của người lao động Tây Bắc đó là sự khoẻ khoắn của con người lao động – với tâm thế như làm chủ núi rừng, thiên nhiên, tổ quốc. Con người không còn bé nhỏ, lạc lõng giữa khung cảnh hùng vĩ khoáng đạt – mà trở thành chủ thể của bức tranh thiên nhiên rộng lớn.
Con người như một tụ điểm của ánh sáng khi ở trên “đèo cao” với dáng vẻ đầy kiêu hãnh và vững chãi. Giữa bức tranh thiên nhiên Việt Bắc vào mùa đông, con người như
trở thành linh hồn của toàn cảnh vật – đem đến sự ấm áp xua đi những giá lạnh.
Bức tranh mùa xuân:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là gam màu trắng dịu dàng, trong trẻo, tinh khiết của loài hoa mơ nở khắp rừng – một sắc màu có vẻ trái ngược với màu đỏ rực rỡ đến chói chang
của mùa đông giá buốt.
Với biện pháp đảo ngữ “trắng rừng” và từ “trắng” được dùng như động từ có tác dụng nhấn mạnh vào màu sắc, tác giả tạo nên một bức họa độc đáo: Gam màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá và làm bừng sáng cả khu rừng bởi sự mơ màng, dịu dàng của hoa mơ.
Động từ “ nở” làm sức sống của mùa xuân lan toả và tràn trề nhựa sống – như một sự chủ động của thiên nhiên trong kí ức người ra đi.
Liên hệ: trong ánh thơ khác , Tố Hữu cũng từng viế về sắc trắng tinh khôi:
“Ôi sáng xuân này xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ.”)
Phải chăng nhà thơ vẫn luôn yêu sắc trắng hoa mơ dịu dàng ấy đến thế?
Mùa xuân càng trở nên tươi tắn hơn nữa bởi sự xuất hiện của hình ảnh con người với hoạt động “chuốt từng sợi giang”. Còn người hiện lên một cách thật đẹp, thật tình trong đôi mắt người nghệ sĩ. Cứ một câu thơ tả cảnh thiên nhiên – ngay sau đó tác giả lại đan xen một câu thơ tả chân dung con người.
Từ “chuốt” đã khắc họa được sự cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo và không kém phần tài hoa, chăm chỉ của người lao động nói chung và nhân dân Việt Bắc nói riêng. Chính họ đã làm nên mùa xuân rực rỡ cho đất nước.
Bức tranh mùa hè:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”.
Nếu như tác giả chọn tông màu ấm áp cho mùa đông, gam màu tinh khôi trong trẻo cho xuân tới, thì đến mùa hạ, ông lựa chọn một sắc màu sôi nổi mang theo bao nhiệt huyết của núi rừng.
Động từ “đổ” là động từ mạnh, diễn tả sự vàng lên đồng loạt của hoa phách đầu hè. Màu của cây phách đổ vàng cả suối dường như làm cho tất cả cảnh vật xung quanh đều trở nên vàng ươm đến lạ thường
Đây là một bức tranh sơn mài được vẽ lên bằng hoài niệm, lung linh ánh sáng, rộn rã âm thanh.
Tố Hữu quả thực là một người thi sĩ có tâm hồn và cách cảm nhận vô cùng tinh tế khi khắc hoạ sự chuyển mùa, chuyển màu của cảnh vật một cách sinh động, đặc sắc vô cùng.
Giữa bức tranh mùa hè ấy hiện lên là bóng hình cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng cung cấp lương thực cho bộ đội kháng chiến.
Người con gái ấy mặc dù “hái măng một mình” nhưng không tạo nên cảm giác cô đơn , hiu hắt mà lại gợi ra cảm giác rất trữ tình , thơ mộng và gần gũi, thân thương. Sự chịu thương chịu khó của nhân dân Việt Bắc trong phong trào cách mạng
Tác giả thể hiện sự trân trọng và biết ơn đến những con người Việt Bắc nghĩa tình.
Bức tranh mùa thu:
“Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Mùa thu hiện lên với không gian bao la ngập tràn ánh trăng, đó là ánh trăng của tự do , của hoà bình rọi sáng niềm vui lên núi rừng , từng bản làng Việt Bắc. Tác giả không miêu tả thu với một màu sắc cụ thể như các mùa trước – mà lại chọn ánh sáng bàng bạc của trăng làm biểu tượng riêng. Phải chăng vì ánh trăng đã từng xuất hiện trong nhiều thi liệu với những ý nghĩa đặc sắc riêng, đầy mơ mộng mà cũng thật háo hức:
( Liên hệ:
“ Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận liên khu báo về”
( Hồ Chí Minh)
Bức tranh còn có cả những âm thanh dịu dàng, mà cụ thể ở đây là lời ca. “Tiếng hát” trong mùa thu chắc hẳn là khúc ca trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhở thủy chung ân tình xin người ra đi đừng lãng quên vùng đất và con người Việt Bắc. Hình ảnh con người không xuất hiện trực tiếp – mà hiện lên gián tiếp qua lời hát, như mượn thanh âm ấy bày tỏ nỗi lòng.
Khung cảnh mùa thu khép lại bức tranh tứ bình đã làm hoàn thiện không gian bốn mùa thật đẹp, thật trữ tình với hình bóng trung tâm là con người Việt Bắc. Bên cạnh ấy sắc màu thiên nhiên Việt Bắc cũng được vẽ nên một cách sinh động, hài hoà và thơ mộng đến vô cùng – tạo thành những đường nét chấm phá của xúc cảm, của tâm hồn.
Nhận xét về hồn thơ đậm đà tính dân tộc:
- Sử dụng thể thơ dân tộc: thơ lục bát – giàu nét đẹp truyền thống và những xúc cảm chân phương, bình dị
- Ngôn ngữ thơ gần gũi, sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói dân gian, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
- Thơ phát huy được tính nhạc của tiếng Việt ta dựa vào cách gieo vần, cách ngắt nhịp, cách sử dụng thanh điệu…
- Hồn thơ luôn hướng về những lẽ sống lớn – tình cảm lớn – niềm vui lớn của dân tộc
Tham khảo văn mẫu Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc
Tải 10 mẫu Phân tích bộ tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc PDF tại đây
Tải 11 mẫu phân tích bài thơ Việt Bắc khổ 6 PDF – TẠI ĐÂY
Nghe podcast tại đây:
Tình cảm cách mạng hòa chung vào tình yêu đôi lứa. Đây là nét đẹp và là thành công của Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc. Hy vọng với những chia sẻ về Phân tích bộ tranh tứ bình Việt Bắc ở trên sẽ giúp các em có tư liệu cho bài làm văn của mình nhé! Chúc các em thi đạt kết quả cao.