Dưới đây là hướng dẫn chi tiết để bạn có thể xây dựng một dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bài viết này sẽ hỗ trợ bạn trong việc nâng cao điểm số môn Ngữ Văn 12, giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Hãy cùng khám phá cách thức tạo lập dàn ý một cách hợp lý và logic nhé!
Dàn ý phân tích tác phẩm “Rừng xà nu” – Nguyễn Trung Thành
Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành là một trong những tác phẩm trọng tâm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để giúp các bạn học tốt môn ngữ văn lớp 12 và đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, chúng ta cùng nhau tìm hiểu dàn ý phân tích chi tiết tác phẩm Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành nhé!
Mở bài
Khái quát về tác giả: đôi nét về tiểu sử, phong cách sáng tác, các tác phẩm chính,…
Giới thiệu sơ qua về tác phẩm Rừng xà nu: hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Thân bài
Tóm tắt cốt truyện và giá trị sử thi hào hùng
Rừng xà nu là câu chuyện về nhân vật Tnú tham gia cách mạng qua lời kể của cụ Mết. Trong bối cảnh của cuộc đồng khởi của nhân dân Tây Nguyên, tác phẩm Rừng xà nu là một bản sử thi hào hùng ca ngợi về cuộc kháng chiến đấu tranh của người dân Tây Nguyên với giặc Mỹ.
Tnú từ nhỏ đã sớm giác ngộ cách mạng và luôn cố gắng phấn đấu để trở thành người lãnh đạo cách mạng như anh Quyết. Khi vợ và đứa con nhỏ của Tnú bị giặc bắt và đánh đập dã man cho đến chết, Tnú xông ra rồi bị giặc bắt, chúng đốt mười đầu ngón tay của anh. Dân làng Xô Man đã vùng lên chiến đấu diệt giặc để cứu Tnú. Rồi sau đó Tnú tham gia lực lượng giải phóng quân, góp một phần công sức vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Hình tượng Rừng xà nu
Được xuất hiện xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm, rừng xà nu đã gắn bó mật thiết, sâu sắc và chặt chẽ với đất rừng Tây Nguyên và là một phần máu thịt của người dân Xô Man. Từ trong những sinh hoạt thường ngày: cây xà nu để đốt ngọn lửa bếp, khói xà nu nhuộm bóng bảng đen để Tnú và Mai học chữ,… Dân làng Xô Man sống dưới bóng cây xà nu, hẹn hò đôi lứa thậm chí khi chết cũng yên nghỉ dưới bóng cây xà nu. Cây xà nu cũng xuất hiện trong những sự kiện trọng đại với dân làng Xô Man: để thắp lửa cho cụ Mết kể chuyện cho dân làng, là ngọn lửa đốt mười đầu ngón tay của Tnú, để chiếu sáng cho người dân mài giáo đánh giặc,…
“Cả rừng xa nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương, có những cây bị chặt đứt đổ ào ào như trận bão, vết thương không lành được loét mãi ra năm mười hôm thì cây chết,…” cho thấy sự tàn phá dữ dội của chiến tranh. Tuy vậy, cây xà nu vẫn sinh sôi nẩy nở mãnh liệt “cạnh cây xà nu mới gục ngã đã có 4,5 cây con mọc lên”, “cây mẹ ngã đã có cây con mọc lên”, “nó vẫn sống đấy (…) Đố nó giết hết rừng xà nu này”. Sức sống mãnh liệt của cây xà nu và sự khao khát ánh mặt trời “Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời tới thế (…) thơm mỡ màng” như biểu tượng cho sự mạnh mẽ của con người Tây Nguyên luôn khát khao sự tự do.
Các anh hùng của đất rừng Tây Nguyên
Nhân vật Cụ Mết: được diễn tả với ngoại hình quắc thước, râu dài đen bóng dài tới ngực, “đôi mắt sáng và xếch ngược”, “vết sẹo ở má láng bóng”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”. Cụ Mết như một gốc cây xà nu cổ thụ, luôn chở che và thương yêu dân làng, ông cũng là hình ảnh biểu tượng cho thế hệ anh hùng đi trước đầy quả quyết, gan dạ, nhìn xa trông rộng.
Nhân vật Tnú: Tnú là một người chiến sĩ thông minh, gan góc, vô cùng dũng cảm và trung thành với cách mạng dù bị giặc đốt lửa cháy mười đầu ngón tay, bị tra tấn đánh đập nhưng anh vẫn gan góc, trung thành không hề khai ra một lời. Anh cũng là người có tính kỷ luật cao, luôn chấp hành chỉ thị của cấp trên. Tnú cũng là một người chồng, người cha mẫu mực, hết mực yêu thương vợ con. Anh cũng là người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên, luôn gắn bó yêu thương quê hương buôn làng Xô Man của mình. Anh là biểu tượng của thế hệ anh hùng hiện tại, là nòng cốt của cuộc kháng chiến, vì lợi ích của cả buôn làng, dân tộc anh đã nén đau thương của bản thân để cống hiến cho cách mạng.
Nhân vật Dít và bé Heng
Dít là em gái của Mai, là một người con gái dũng cảm, gan dạ phi thường, dù còn bé nhưng đã biết nén đau thương để nung nấu ý chí trả thù cho chị gái, cho dân tộc, đã biết đem gạo vào rừng cho dân làng, bị giặc bắn súng dọa nạt bé cũng không khai,..
Bé Heng đã tham gia làm các nhiệm vụ cách mạng dù còn nhỏ tuổi, bé đã thông thuộc từng hố chông, từng chiến điểm để dẫn đường cho cán bộ,…
Dít và bé Heng chính là biểu tượng của thế hệ anh hùng tương lai nối tiếp truyền thống của cha ông với lòng yêu thương quê hương đất nước, trung thành với cách mạng, gan dạ, dũng cảm kiên cường.
Kết bài
Rừng xà nu là sử thi về sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, là quá trình vùng lên đấu tranh từ tự phát đến tự giác của dân làng Xô Man cũng là biểu tượng cho cả đất nước Việt Nam cùng nhau đồng lòng kiên cường anh dũng chiến đấu với giặc xâm lược Mĩ.
Thông qua bài viết, luyenthidgnl.com.vn hy vọng các bạn sẽ có kiến thức bổ ích nhất để phục vụ cho việc ôn thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, thông qua dàn ý của bài Rừng Xa Nu cũng sẽ giúp các bạn có thể tự xây dựng dàn ý của các tác phẩm khác có phương pháp phân tích các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn THPT đủ ý và chất lượng nhất.
Hy vọng với phần Dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu tác giả Nguyễn Trung Thành trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về tác phẩm cũng như giúp các bạn học sinh Học tốt ngữ văn 12 và đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới nhé!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom