Phân tích đoạn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt trong tác phẩm: Hồn Trương Ba da hàng thịt của LƯU QUANG VŨ. Cùng Onthidgnl tham khảo bài phân tích dưới đây nhé!
Mục lục
MỞ BÀI
– Sau 1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi, nước nhà hoàn toàn độc lập. Nhưng đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Cuộc sống với “muôn mặt đời thường” đã trở lại sau chiến tranh. Nhiều vấn đề về con người và đời sống nhân sinh nảy sinh, con người Việt Nam trong chiến tranh đã quen sống vì cộng đồng, vì những gì lớn lao nay đã chuyển sang thời kỳ mới lạ phải quan tâm đến cái tôi, cho cuộc sống riêng tư. Khi cuộc chiến đã lùi xa, người ta phải nghĩ đến chuyện phải làm sao cho đời sống của cá nhân trong xã hội phải đạt đến sự hoàn thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Sống trong bối cảnh lịch sử xã hội bộn bề, phức tạp đó,Lưu Quang Vũ mạnh mẽ đặt ra những vấn đề có ý nghĩa thời đại sâu sắc thông qua những triết lý về cuộc đời, về lẽ sống, cái chết. Ý tưởng nghệ thuật đó được ông gửi gắm qua vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa triết lí và nhân văn sâu sắc. Trong vở kịch, tác giả đã dựng nên nhiều đoạn đối thoại nhưng tiêu biểu là đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt.
THÂN BÀI
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TÁC PHẨM
– Lưu Quang Vũ (1948 -1988) quê ở Đà Nẵng, sinh ra tại Phú Thọ trong một gia đình trí thức. Ông là tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Trước Khi trở thành nhà soạn kịch xuất sắc của nền kịch Việt Nam, Lưu Quang Vũ Đã là một nhà thơ, một cây bút truyện ngắn tiêu biểu. Vào những năm tám mươi của thế kỉ XX, Lưu Quang Vũ đã trở thành nhà soạn kịch xuất sắc của nền kịch hiện đại Việt Nam. Các tác phẩm kịch tiêu biểu của nhà văn là:“Sống mãi tuổi mười bảy”, Nàng Xita”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Lời thề thứ 9”, “Tôi và chúng ta”, “Ai là thủ phạm’, “Ông không phải là bố tôi”,“Điều không thể mất”, “Ai là thủ phạm”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”…Kịch của Lưu Quang Vũ mang tính thời sự, tính hiện đại và giàu giá trị nhân văn nhân đạo. Ông qua đời trong một tai nạn thảm khốc năm 1988 giữa khi tài năng đang nở rộ. Lưu Quang Vũ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2000.
– “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” là một vở kịch xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Vở kịch này được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng. Sau đó, vở kịch được công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Vở kịch gồm 7 cảnh và một màn kết. Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc cảnh 7 và màn cuối cùng. Qua các cuộc đối thoại: giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, giữa hồn Trương Ba và người thân, giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, tác phẩm phản ánh bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống vay mượn, trái với tự nhiên khiến tâm hồn nhân vật vốn nhân hậu, thanh cao bị tha hóa bởi sự lấn át của thể xác thô lỗ, phàm tục. Vở kịch cũng ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực cùng khát vọng hoàn thiện nhân cách. Tác giả gửi tới người đọc nhiều thông điệp giàu giá trị nhân văn: sống không chỉ là tồn tại mà sống phải có ý nghĩa; con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống hài hòa giữa thể xác và tâm hồn; con người phải đấu tranh chống cái ác, cái xấu để vươn tới cái tốt đẹp, cao thượng.
PHÂN TÍCH ĐOẠN ĐỐI THOẠI GIỮA HỒN TRƯƠNG BA VÀ XÁC HÀNG THỊT
A. Giới thiệu khái quát đoạn đối thoại
– “Hồn Trương Ba da hàng thịt” được Lưu Quang Vũ sáng tác theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để suy ngẫm về nhân sinh và hạnh phúc con người. Cốt truyện dân gian kể lại rằng: Trương Ba vốn giỏi đánh cờ bị Nam Tào, Bắc Đẩu bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt – vừa mới chết để sống nhờ. Từ Khi sống trong thân xác anh hàng thịt, hồn ông Trương Ba không hề băn khoăn day dứt vì tình trạng sống nhờ của mình, chỉ có điều xung đột giữa vợ hàng thịt và vợ Trương Ba rất gay gắt. Cuối tác phẩm, hồn Trương Ba được quan xử cho về sống với vợ. Ông Trương Ba vẫn nghiễm nhiên về sống với vợ mặc dù mang trên mình thân xác kềnh càng, thô lỗ của anh hàng thịt. Đi Vào vở kịch của Lưu Quang Vũ, nhà văn đã đào sâu một tình huống kịch mới: bi kịch của ông Trương Ba khi phải sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Cuộc sống rắc rối, éo le, giả dối khi phải sống nhờ thân xác anh hàng thịt khiến hồn Trương Ba vô cùng đau đớn. Cuối cùng Trương Ba Quyết định từ biệt cõi đời trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để bảo vệ nhân tính tốt đẹp, thanh cao của mình, để mọi người nghĩ về mình với những điều tốt đẹp. Đây là một kết thúc giàu tính nhân văn. Cảnh bảy và màn kết của vở kịch bao gồm một loạt các cuộc đối thoại: giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, hồn Trương Ba với người thân, hồn Trương Ba Với Đế Thích, hồn Trương Ba với vợ.
– Cuộc đối thoại nằm trong cảnh cuối, lúc xung đột trung tâm của vở kịch (linh hồn và thể xác trong nhân vật hồn Trương Ba) lên đến đỉnh điểm. Sau Mấy tháng sống trong tình trạng “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”nhân vật hồn Trương Ba trở nên xa lạ đối với bạn bè, người thân trong gia đình. Tâm trạng ấy được thể hiện qua lời nói của nhân vật ở ngay đầu đoạn trích: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này nữa! (nhìn chân tay, thân thể). Tôi chán cái chỗ không phải là của tôi này lắm rồi. Cái thân thể kềnh càng, thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi tức khắc. Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”. Qua Đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã phản ánh bi kịch bị tha hóa của ông Trương Ba và gửi gắm nhiều triết lý sâu sắc…
B. Phân tích cụ thể
– Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt là cuộc đối thoại căng thẳng, quyết liệt. Có thể thấy tình huống kịch ở đây diễn biến qua hai bước.Bước một: Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống như thế này mãi, hồn Trương Ba muốn tách ra khỏi thân xác kềnh càng, thô lỗ. Với sự giễu cợt của xác khiến hồn càng khổ đau, cảm thấy bế tắc. Bước hai: Hành động kịch đẩy mâu thuẫn lên cao trào: xác hàng thịt tỏ ra lấn lướt hồn Trương Ba, xỉ nhục hồn Trương Ba; Hồn Trương Ba đau khổ đến tột độ và thấy không thể chịu đựng được nữa. Trong cuộc đối thoại này, xác đắc thắng cười cợt sự tha hóa của hồn. Hồn ra sức bảo vệ sự trong sáng của bản thân một cách yếu ớt.Những lời thoại của xác là những câu thoại rất dài, đưa ra nhiều dẫn chứng về sự tha hóa của hồn, và nhiều quan điểm mà xác đưa ra không phải không có lý. Ngược lại lời thoại của hồn ngày càng ngắn và sử dụng nhiều dấu vuông lửng thể hiện sự đuối lý, phản ứng yếu ớt của hồn.
– Từ khi sống nhờ thân xác anh hàng thịt, tâm hồn Trương Ba đành phải chiều theo một số nhu cầu tự nhiên của xác anh hàng thịt. Linh hồn vốn nhân hậu, trong sạch và bản tính ngay thẳng của Trương Ba xưa kia, nay vì sống mượn và lệ thuộc nên chẳng những đã không sai khiến được xác anh hàng thịt thô phàm mà trái lại còn bị xác ấy điều khiển, dần dần bị nhiễm độc, bị tha hóa bởi những cái tầm thường, đầy ham muốn vật chất thấp kém của xác thịt anh đồ tể như: Thèm ăn ngon, thèm rượu thịt,thèm các món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi. Thậm chí đã có lúc hồn Trương Ba sắp ngã vào tay chị vợ anh hàng thịt: “Khi ông ở bên nhà tôi…Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại…Đêm hôm đó suýt nữa thì…”. Rồi ông Trương Ba còn thẳng tay tát thằng con trai tóe máu mồm máu mũi.
Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác anh hàng thịt để tồn tại độc lập, không lệ thuộc vào thể xác: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn,trong sạch, thẳng thắn”.
– Xác anh hàng thịt biết rõ những cố gắng đó là vô ích nên đã cười, mỉa mai,nhạo báng Trương Ba: “Nực cười thật. Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, thẳng thắn”. Mặt khác xác hàng thịt tuyên bố về sức mạnh âm u, đui mù, ghê gớm của mình:“Mà đáng nhẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóe máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có sức mạnh của tôi…”. Hơn nữa xác hàng thịt còn ve vãn hồn Trương Ba thỏa hiệp vì cả hai đã hòa vào nhau làm một rồi.
– Xác hàng thịt đưa ra những quan điểm không phải không có lý: “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông cứ vin vào cái cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác.” Những lí lẽ của anh hàng thịt khiến Hồn Trương Ba dường như không nói được gì. Lưu Quang Vũ cũng qua đó mà khẳng định rằng: linh hồn quan trọng nhưng đừng bỏ bê thể xác, đừng để cho thể xác nhếch nhác…
– Trước những lời lẽ của xác hàng thịt, Trương Ba đã nổi giận, đã khinh bỉ,đã mắng mỏ xác hàng thịt là hèn hạ: “lí lẽ của anh thật ti tiện”. Nhưng vì khao khát được sống, được tồn tại, ông Trương Ba phải chấp nhận những yêu cầu của xác hàng thịt. Đồng thời ông Trương Ba cũng ngậm ngùi chua chát, thấm thía cái nghịch cảnh mà mình đã lâm vào và đành nhập trở lại xác hàng thịt trong nỗi tuyệt vọng. Từ đó đi đến giải pháp “chung sống hòa bình” mang tên “Hồn Trương Ba da hàng thịt” bằng trò chơi tâm hồn. Luật Chơi là hồn cứ nghĩ là mình cao khiết, thánh thiện, thẳng thắn, khi làm việc gì xấu cứ việc đổ tội cho xác để được thanh thản: “Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ lỗi cho tôi, để ông được thanh thản. Tôi biết: cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt”. Bù lại, hồn sẽ làm mọi việc để thỏa mãn những thèm khát tầm thường của thể xác: “miễn là… ông vẫn làm đủ mọi việc để thỏa mãn những thèm khát của tôi”. Điều này cũng đã phản ánh một hiện thực nóng bỏng của lối sống con người trong xã hội lúc bấy giờ mọi thời đại. Có những kẻ bất chấp tất cả để đạt được những danh lợi. Qua đây, Lưu Quang Vũ muốn khuyên con người phải luôn biết đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu xa, ích kỉ trong bản thân mình để vươn tới cái tốt đẹp, cao thượng. Nhà văn cũng khẳng định: một con người hạnh phúc thì hai phương diện thể xác và tâm hồn hài hòa, thống nhất với nhau.
-Trong đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt ta thấy xác hàng thịt ngày càng thắng thế bởi những lời thoại dài và không phải là không có cơ sở, hồn Trương Ba dần dần đuối lí với những lời thoại ngắn, nhiều khoảng trống thể hiện sự bế tắc, bất lực.
C. KHÁI QUÁT NÂNG CAO
– Như vậy tuy Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng lại là cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục, tầm thường đồng hóa, ngự trị, lấn át, tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ trong conngười. Ông Trương Ba bị rơi vào bi kịch bị tha hóa, bị đánh mất mình. Từ Một người thanh cao, giờ đây ông thô lỗ; từ một người yêu thương vợ con,giờ đây ông thẳng tay tát thằng con trai…
– Cuộc đối thoại này đào sâu đến tận cùng nỗi giằng xé trong Trương Ba khiến Hồn như tuyệt vọng. Cuộc đối thoại này giúp chúng ta nhận ra rằng Trương Ba rất ý thức được về sự tồn tại có ý nghĩa của tâm hồn cao thượng,trong sạch; Trương Ba nhận ra rằng tâm hồn đó đang bị thể xác phàm tục làm cho tha hóa, biến chất, làm cho mình không được sống là chính mình.Sự tồn tại một cách vênh váo, khập khiễng giữa thể xác và tâm hồn khiến ông Trương Ba đau khổ bất lực và tuyệt vọng. Điều này vừa cho thấy bi kịch nhưng cũng phần nào thể hiện nhân cách ông Trương Ba. Chẳng qua bị đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu, sống nhờ, sống dựa vào thân xác của người khác màông dần đánh mất những phần đẹp đẽ trong con người mình…
– Đời sống con người đâu chỉ gói gọn trong những nhu cầu bản năng, thuần túy nhưng cũng đừng bỏ bê thể xác. Thông qua lời anh hàng thịt, Lưu Quang Vũ muốn phê phán những vị lắm sách nhiều chữ, vin vào cái tâm hồn cao quý, sống vì phần hồn mà bỏ bê phần xác “mãi khổ sở, nhếch nhác để chỉ biết đến một thứ linh hồn chung chung, trừu tượng không thuộc về ai cả trong cõi đời này”. Chúng ta cần phải thấy thể xác hay tâm hồn đều có tiếng nói riêng. Thể xác là tiếng nói của bản năng đời thường và cần phải đáp ứng những nhu cầu chính đáng của thể xác.
– Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và thể xác là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa hoài bão cao cả với dục vọng ham muốn tầm thường, giữa phần người và phần con luôn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Hai hình tượng hồn Trương Ba và xác hàng thịt ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ: một bên đại diện cho sự trong sạch, nhân hậu, thẳng thắn, khát vọng sống thanh cao, xứng đáng với danh nghĩa con người và một bên là sự tầm thường, dung tục. – Cuộc đối thoại giữa xác hàng thịt và hồn Trương Ba là cuộc đấu tranh giữa thể xác là linh hồn trong một con người. Thể xác và linh hồn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thể xác có tính độc lập, tương đối của nó, có khả năng tác động vào linh hồn, linh hồn phải đấu tranh với những đòi hỏi không chính đáng để hoàn thiện nhân cách.
Từ sự phân tích trên đây cho thấy giữa linh hồn và thể xác, giữa tính cách và ngoại hình phải là sự thống nhất, vẹn toàn.
KẾT BÀI
– Qua màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong vở kịch“Hồn Trương Ba da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ muốn gửi đến chúng ta những thông điệp: Được sống làm người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình muốn có và theo đuổi còn quý giá hơn; sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn; con người phải luôn luôn đấu tranh với những nghịch cảnh, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.