Hãy cùng nhau khám phá một chủ đề thú vị và đầy ý nghĩa: Giá trị lịch sử! Onthidgnl đã chia sẻ những nội dung vô cùng bổ ích về nghị luận xã hội mà bạn không thể bỏ lỡ. Những bài văn mẫu dưới đây không chỉ giúp bạn nâng cao kỹ năng viết mà còn mở mang hiểu biết về tầm quan trọng của lịch sử trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và rèn luyện để có một bài văn nghị luận xã hội thật xuất sắc nhé!
Nghị luận xã hội về Giá trị lịch sử
“Hoà bình về trên mái tóc người cha
Và tiếng khóc oa oa thơ bé
Người lửa cháy suốt thời trai trẻ
Kẻ chào đời tiếng súng đã lặng câm
Hai lứa tuổi cách nhau một nhịp cầu Bến Hải
Một cuộc hành quân nắng dãi mưa dầm…”
Nói về chiến tranh, người ta thường hoài niệm về “thuở xưa” nghe đâu xa vời lắm nhưng giật mình ngẫm lại hoá ra đất nước Việt Nam sống trong hoà bình cũng chỉ mới gần 50 năm nay. Như vậy thì thời cha ông ta, thời kháng chiến rực lửa cũng đâu có xa vời quá đỗi. Vì ngay gần, nên ta không được quên và lịch sử có lùi sâu đến nhường nào thì trong tâm thức con dân đất Việt cũng luôn phải dặn lòng mình đời đời nhớ ơn những bậc anh hùng thời chiến. Điều này đã nhắc nhở tôi rằng để tỏ lòng biết ơn về cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc trong thời thì những “giá trị lịch sử” cần được giữ gìn và nâng niu.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh chống ngoại xâm mới thoát khỏi ách nô lệ, giành lại độc lập, tự do. Giá trị của lịch sử cũng được hình thành và khẳng định trong quá trình đoàn kết đấu tranh bền bỉ, kiên cường của ông cha ta. Giá trị lịch sử không đơn thuần là nguồn gốc hình thành nền văn hóa, là cội nguồn của con người, là những gì được diễn ra trong quá khứ mà còn là những bài học và truyền thống quý báu mà ngày nay chúng ta cần gìn giữ và phát huy trong thời đại hội nhập. Giá trị lịch sử làm nên giá trị dân tộc bởi mỗi quốc gia có một quá trình dựng nước và giữ nước khác nhau. Giá trị lịch sử được thể hiện ở quá trình gây dựng đất nước của ông cha ta, là niềm tự hào của dân tộc khi chiến thắng giặc ngoại xâm để bảo vệ nước nhà.
Ngay xưa đất nước ta vô cùng nhỏ bé, lại chịu ách đô hộ một nghìn năm, Bắc thuộc tăm tối nhưng ta vẫn đánh đuổi quân xâm lược để giành được độc lập. Một nghìn năm bị đô hộ thì không còn dân tộc nào tồn tại xem như đã bị đồng hóa, bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Nhưng Việt Nam ta bị đô hộ một nghìn năm rồi, vẫn giành lại độc lập cho quốc gia mình, cũng là một tấm gương cực kỳ xuất sắc đối với thế giới này. Dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng chưa bao giờ bị khuất phục trước kẻ thù xâm lược nào. Dù là thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ hùng mạnh. Đó là những trang sử hào hùng, anh dũng thật đáng để tự hào, tự hào về lịch sử dân tộc, để ta hiểu hai chữ “lịch sử” giá trị và thiêng liêng đến nhường nào.
Để hôm nay là ngày hòa bình, hôm nay là ngày tự do và hạnh phúc, để những trẻ em cắp sách tới trường, người dân thỏa sức lao động thì những người chiến sĩ đã chiến đấu quên mình để bảo vệ Tổ Quốc. Tuy không ai nhớ mặt, không ai biết tên họ là gì chỉ biết họ đã dành cả tuổi xuân của mình cho dân tộc, cho những thế hệ con cháu sau này một cuộc sống hòa bình ấm no. Tướng Hoàng Đan khi đi ra trận đã nói với vợ mình rằng: “Anh phải đi đánh nhau để con mình không phải đánh nhau nữa, đời cha mà không hoàn thành, đời con lại phải tiếp tục đánh nhau”. Hay anh hùng Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai do hỏa điểm lô cốt của Pháp bắn mạnh làm lực lượng xung kích Việt Nam bị chặn lại, hay anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy chính cơ thể mình chèn vào càng pháo, gìn giữ không cho khẩu pháo cao xạ bị lăn xuống vực trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày nay, giá trị lịch sử không còn là câu chuyện của quá khứ mà đó là sự kế thừa, phục dựng cho một trang sử hào hùng của dân tộc. Những bộ phim “Đường lên Điện Biên”, “Mùi cỏ cháy”, “Hà Nội 12 ngày đêm”,…được đông đảo công chúng đón nhận. Tác phẩm khai thác về đề tài lịch sử, là những con người dũng cảm trong thời chiến ai có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Họ đã đứng lên để bảo vệ đất nước. Đây là minh chứng chứng minh cho người trẻ không lãng quên lịch sử và điện ảnh Việt cần những thước phim hấp dẫn về đề tài lịch sử như thế. Tuy nhiên bên cạnh đó, bộ môn lịch trong giáo dục ngày nay chỉ được xem như là một môn tự chọn. Thầy cô giáo cũng vì thế mà không tạo ra hứng thú trong việc dạy sử cho học sinh. Nhưng tôi tin rằng không có học sinh nào chán việc học sử của dân tộc. Thực chất, giá trị của lịch sử không nằm ở những con số cao hay thấp ở trên trường, không phụ thuộc vào việc học sinh nhớ được bao nhiêu cái tên hay mốc thời gian mà nằm ở việc họ có cảm nhận được những giá trị lịch sử và xương máu của ông cha ta bỏ ra hay không. Họ có yêu có trân trọng và phát triển những truyền thống văn hóa ấy hay không.
“Có những người lính không sợ chết, chỉ sợ con cháu đời sau quên rằng vì sao họ chết”. Có lẽ đó là lí do vì sao lịch sử có những giá trị quan trọng đến vậy, để ta phải hiểu được lịch sử dân tộc, học cách trân trọng những hy sinh và mất mát của thế hệ đi trước. Giá trị lịch sử luôn song hành với hiện tại, là một thế hệ trẻ chúng ta cần biết coi trọng lịch sử, đặc biệt khi đất nước trong thời kỳ hội nhập, việc tiếp thu tinh hoa thế giới một cách có chọn lọc là một điều cần thiết. Bởi Bác Hồ đã từng nói: “Hòa nhập nhưng không hòa tan”. Là một cánh chim đang chập chững bước vào đời, việc gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc là trách nhiệm mà ai trong chúng ta đều phải làm. Chủ động tìm hiểu lịch sử nước nhà, ra sức học tập, hoàn thiện bản thân để trở thành người có ích cho đất nước.
Bác Hồ từng viết trong bức thư ngày khai trường đầu tiên năm 1945: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Thế hệ ngày này là tương lai của đất nước, ta nhìn về quá khứ để hiểu giá trị của lịch sử nước nhà, lấy đó là động lực để học tập, trau dồi, phát triển và cống hiến để những người đã ngã xuống vì ta, những người thân và những người tương lai ta sẽ gặp đều được sống trong hòa bình và hạnh phúc.
—
File PDF Nghị luận xã hội về Giá trị lịch sử
https://drive.google.com/file/d/16qi7hk-Vo3Zfin7KL0lmx7wBeFl17DrM/view?usp=sharing
Hy vọng rằng bài mẫu nghị luận xã hội ở trên sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Youtube: