Cùng tham khảo nội dung Nghị luận xã hội về Một số ý kiến cho rằng: “ Học ngu mà kiếm được nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền”. Hãy đưa ra tầm quan trọng của việc học để phản bác lại ý kiến ấy, không để cho một số bạn trẻ có tư tưởng lệch lạc nghĩ rằng không cần học cũng có thể kiếm được nhiều tiền. được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo bài văn mẫu dưới đây để có kỹ năng làm tốt bài văn nghị luận xã hội nhé.
Nghị luận xã hội về Một số ý kiến cho rằng: “ Học ngu mà kiếm được nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền”. Hãy đưa ra tầm quan trọng của việc học để phản bác lại ý kiến ấy, không để cho một số bạn trẻ có tư tưởng lệch lạc nghĩ rằng không cần học cũng có thể kiếm được nhiều tiền.
Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 6-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta rằng phải noi theo Lênin: “ Học, học nữa, học mãi” học là quá trình cả đời phấn đấu mà bể học là vô tận. Vậy mà có một số ý kiến cho rằng “ Học ngu mà kiếm được tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền” khiến cho một số bạn trẻ có tư tưởng lệch lạc. Có một số người chưa biết rằng giáo dục được đặt lên hàng đầu của mỗi quốc gia. Kinh tế của một đất nước sẽ vững mạnh nếu những người nông dân, những người lao động của họ được trang bị tốt về kiến thức. Và những điều đó từ giáo dục, học tập mà ra cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc học.
Trước hết , em xin đưa ra ý kiến của mình về câu nói: “ Học ngu mà kiếm được nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền”. Để mà nói rằng việc học dốt, học giỏi không quyết định được khả năng kiếm tiền, thì điều đó không sai. Kiếm tiền là một hoạt động yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kiến thức, thậm chí là may mắn nữa, những thứ mà không nền giáo dục nào có thể cung cấp hết cho người học cả. Tuy nhiên, không nên nhìn vào hiện tượng “kiếm nhiều tiền” đó, mà vội kết luận bản chất là “người này hơn người kia”. Vì cuộc sống cấu thành bởi cả trăm thứ khác nhau, người ta có thể không giàu có về tiền bạc, nhưng lại “giàu có” về độ cao học thức, vẻ đẹp nội tâm, tình yêu chân thành cũng như sự tôn trọng từ xã hội. Các bạn hãy nên nhớ một điều rằng : “Nếu có 100 người học dốt, thì chỉ có 1-2 người giàu, thế nên được chú ý, truyền thông báo đài đưa tin. Còn 100 người giàu, thì có đến 99 người học giỏi”.
Học tập là quá trình dài, tìm hiểu để hiểu biết, kỹ năng và tri thức cho bản thân. Trong học tập, chúng ta không ngừng trau dồi, bổ sung những cái mới, kiến thức, kinh nghiệm, những giá trị, nhận thức hay sở thích và liên quan đến những thông tin khác. Học tập có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Người ta vẫn thường có câu : “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích cả”. Sự thật cho thấy, trong suốt quá trình phát triển lịch sử, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức lớn. Tất cả những tri thức ấy luôn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này qua đời khác qua nhiều hình thức khác nhau như truyền miệng hay chữ viết. Và để có thể tiếp thu được những tinh hoa, nguồn tri thức quý giá đó, con người chỉ có thể học và học tập suốt đời. Chính vì vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, bất kì ai cũng được trao cho nhiệm vụ và trách nhiệm là phải học.
Đích đến đầu tiên của việc học đó là “ Học để biết”, từ “biết” trong câu nói này mang ý nghĩa là hiểu biết, tiếp thu, để có kỹ năng, gặt hái được kiến thức cho bản thân. Mục đích học tập suốt đời là để tiến bộ không ngừng, để phục vụ nhân dân tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “ Học không bao giờ là cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng học tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Nhờ vào hành trình dài từng bước trên con đường học tập, con người đã lĩnh hội được rất nhiều kiến thức cho bản thân ở những lĩnh vực khác nhau. Khi đó, tự tạo cho bản thân một kho tàng tri thức khoa học một cách hoàn hảo nhất. Học tập đóng góp đáng kể vào việc nâng cao khả năng nhận thức và tư duy. Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, chúng ta có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết ta”. Biết mình, hiểu tâm lý mình đã đành, mà muốn thành công chinh phục được nhân tâm, chúng ta còn phải biết người, hiểu người. Đó là cách để chúng ta xây dựng tốt các mối quan hệ, biết giao tiếp, ứng xử với nhau, tạo thiện cảm với mọi người.
Điểm đến kế tiếp không gì khác đó là “Học để làm” , học tập là công việc quan trọng, là vấn đề luôn được con người đề cao. Nhưng không phải ai cũng biết việc học cần diễn ra như thế nào và cách thức gì để đạt tối ưu kết quả. Bằng chứng là kết quả học tập của mỗi người lại khác nhau, thậm chí cùng một môi trường học tập, cùng một người dạy, cùng bạn bè như thế nhưng kết quả thì lại trái ngược nhau. Mục đích thiết thực của việc học – “ Học đi đôi với hành” . “Hành” chính là việc bạn áp dụng những gì đã được học vào thực tế để chứng minh nó trên thực tiễn. Dù lý thuyết của bạn có vững chắc, cao siêu đến mấy mà không được thực hành thì nó cũng chỉ là lý thuyết suông, nằm trên giấy. Còn nếu “hành” mà lại không được “học” thì sẽ dẫn đến mọi thứ bạn làm đều sai quy luật của sự phát triển, sai hành động. Hành vừa là mục đích vừa là cách thức học tập để giúp cho việc học trở nên củng cố và khắc sâu. Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lý thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp.
Tiếp theo là một đích đến quan trọng không thể thiếu “ Học để chung sống” chung sống một cách hòa hợp giúp chúng ta được yêu thương, tin tưởng và được giúp đỡ, đồng thời tạo nên mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Một người đâu phải nhân gian. Sống trong một đốm lửa tàn mà thôi.” Không ai tồn tại một mình, và để có cuộc sống ý nghĩa, chúng ta cần sống hòa hợp với mọi người. Xây dựng mối quan hệ công việc hiệu quả là vô cùng quan trọng bởi vì nó giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn trong công việc và thúc đẩy một môi trường tích cực tại nơi làm việc. Mối quan hệ công việc hiệu quả được xây dựng trên sự tin tưởng cho phép các cá nhân chia sẻ kiến thức một cách tự do, điều này tạo ra các nhóm làm việc hiệu quả và cuối cùng là tăng năng suất. Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 – thời đại mà sự phát triển kiến thức, tri thức tăng tốc vượt bậc. Thế nên, nếu không muốn tụt hậu, đòi hỏi mỗi người phải coi việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời trở thành nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Hãy thử tượng tượng một ngày nào đó bạn sẽ hụt hẫng ra sao khi phải lặn ngụp trong “đại dương kiến thức” bao la và chính sự ngại học, lười học, học không bài bản, không thường xuyên đã “nhấn chìm” chính bạn trong đại dương ấy. Đó chính là hệ quả tất yếu của “ biết” , “ làm”. Bởi lẽ, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.
Mục đích sau cùng “ Học để khẳng định chính mình”. Khẳng định chính mình có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng muốn khẳng định được chính mình? Đã bao giờ bạn suy nghĩ về vấn đề này cũng như đặt câu hỏi này cho chính bản thân mình?. Khẳng định chính mình là sự thể hiện giá trị của mình với những người xung quanh. Tức là bạn cũng có những giá trị nhất định và cũng đáng được tôn trọng trong một tập thể nhất định, qua đó ta có thể tạo ra được những lợi ích cho chính bản thân cũng như những người thân của mình, đó còn là việc mở ra một bước tiến mới, cơ hội lớn trong những dự định của tương lai. Ai cũng muốn khẳng định được chính mình bởi lẽ vì cấu thành từ hàng trăm nghìn lý do khác nhau chỉ có chính chúng ta mới có thể lý giải được, nếu chúng ta không nhận ra cũng như coi trọng giá trị của bản thân mình thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta có thể khiến người khác nhìn nhận được giá trị của bản thân cũng như coi trọng những điều mà chúng ta đóng góp cả. Vì thế cho nên, khẳng định chính mình được xem như một cách giúp chúng ta khẳng định với mọi người xung quanh về sự tồn tại và giá trị của chúng ta. Quá trình khẳng định chính mình sẽ là một quá trình dài để chúng ta bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tạo nên những giá trị đơn giản nhất. Có thể ban đầu là cho mình với việc thay đổi và học tập những phẩm chất tốt đẹp. Sau đó sẽ là giá trị cho những người xung quanh và lớn hơn là cho cộng đồng. Việc chúng ta khẳng định bản thân cũng là việc chúng ta đang thúc đẩy vào sự phát triển của xã hội một cách bền vững nhất với những giá trị tốt đẹp được tạo ra. Ai cũng biết không phải dễ dàng để khẳng định bản thân. Nhưng điều trước tiên để quyết định cho sự thành công ấy là ở chính chúng ta. Liệu chúng ta có dám thử thách, dám đương đầu để nhận ra và khẳng định giá trị của mình hay không?
Mục đích học tập mà UNESCO đề xướng nó hoàn toàn đúng đắn với thời điểm hiện tại và sẽ có giá trị về sau này. Qua đó ta định hướng học tập dễ dàng hơn, việc học trở nên hiệu quả và hữu ích hơn. Tri thức như 1 cái thang dài vô tận, bước qua 1 bậc thang ta có thêm hành trang để tự tin bước lên bậc kế tiếp. Xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời luôn gắn bó hữu cơ với nhau và là một nhu cầu bức xúc trong một thị trường lao động đang biến động và phát triển ở nước ta với sự trợ giúp của sự tiến bộ hàng ngày, thậm chí hàng giờ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và ngay cả văn hoá trong một xã hội phát triển lành mạnh. Từ những mục đích đúng đắn chỉ ra cho chúng ta thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học. Có một số học sinh, sinh viên hiện nay đã không xác định đúng đắn mục đích học tập của mình. Họ miệt mài trong học tập như cái máy, coi việc học như nghĩa vụ, trách nhiệm không thể chối bỏ, đối với cha mẹ, thầy cô. Họ học cho bằng cấp, cho sự nghiệp công danh mà họ trở nên thực dụng trong việc học và quên đi lợi ích của việc học, thiết nghĩ: Nếu như cả xã hội này coi học tập chỉ là nghĩa vụ bắt buộc và chỉ dừng lại ở mức độ biết thì mỗi cá nhân sẽ không phát huy được tài năng, cá tính sáng tạo của bản thân và vô tình kìm hãm sự phát triển xã hội. Tầm quan trọng của việc học được xác định rõ hơn thông qua mục đích của việc học tập, chỉ rõ những phần quan trọng để chúng ta có thể hiểu thấu được.
Học tập không chỉ là ngày một ngày hai mà học tập là cả một quá trình dài tìm hiểu , thấu đạt để có thể mở khoá được những kiến thức mới trong cuộc hành trình của mỗi chúng ta. Luôn phải cố gắng học hỏi từng ngày điều chỉnh được nhận thức về thời gian học, mỗi lần mở được một cánh cửa mới chúng ta lại nâng cao được tầm hiểu biết của bản thân mình. Học hỏi không chỉ là việc đạt được thông tin mà còn khám phá sức mạnh của chúng ta khi phải đối diện với những thử thách mới. Nhà trường trang bị cho ta những kiến thức trong sách vở, còn xã hội giúp ta hiểu được những việc mà sách vở không thể nói hết được những việc làm ngoài xã hội ấy. Bởi vậy chúng ta luôn phải học tập không chỉ ở trường học mà cần phải học hỏi ngoài xã hội để không bị lạc hậu so với xã hội nay. Người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy cách “làm người”. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của chúng ta. Học đi đôi với hành có ý nghĩa to lớn đối với tất cả con người, tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Trong thời đại phát triển như hiện nay, thì cách thức “học đi đôi với hành” là con đường ngắn và đơn giản nhất để đạt tới thành công, giúp vào công cuộc đổi mới của đất nước, xã hội. Chúng ta được sinh ra, học tập trong nền hòa bình, độc lập, điều đó thật may mắn biết bao. Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy là những người công dân sống có ích.
Hoa hậu Hoàng An: “Học để cố gắng thật nhiều với tất cả cơ hội dù là lớn hay nhỏ và tôi tin cơ hội sẽ rộng mở khi chúng ta có nền tảng tri thức tốt”. Chúng ta hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa vì chúng ta chỉ có thể sống một lần trong đời hãy biến cuộc đời của chúng ta thành một cuộc đời đáng để sống. Khẳng định được giá trị của bản thân bằng thành quả của việc chăm chỉ, trau dồi, cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi. Đã là người trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta sẽ phải cống hiến hết mình trong học tập để không bị thiếu đi những kiến thức, kinh nghiệm, nghèo nàn và lạc hậu, khẳng định cho mọi người thấy được sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại.
…
Hy vọng rằng bài mẫu Nghị luận Xã Hội Học ngu mà kiếm được nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền… sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Bộ sưu tập bài viết Nghị luận xã hội: https://onthidgnl.com/chuyen-muc/nghi-luan-xa-hoi/