Cùng tham khảo nội dung Nghị luận xã hội về Oliver Wendell Holmes: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu” được Onthidgnl chia sẻ sau đây. Các em tham khảo bài văn mẫu dưới đây để có kỹ năng làm tốt bài văn nghị luận xã hội nhé.
Nghị luận xã hội về Oliver Wendell Holmes: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”
Tục ngữ vẫn thường có câu: “Thất bại là mẹ thành công”, như là một lời khuyên nhủ, kêu gọi và thắp sáng lên hi vọng cho những con người đang đứng trước vực thẳm của sự bỏ cuộc với bao nỗi sợ và sức ép. Một lời khuyên hướng con người ta tới những giá trị lâu bền, như là một cách thức để tạm quên đi sầu đau vì thất bại trong hiện tại, cũng là để dần thoát li khỏi chiếc vòng cương tỏa vô hình của cái nhìn xã hội với biết bao chuẩn mực và phán xét. Chẳng thế mà Oliver Wendell Holmes đã tâm niệm: “Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu”
Luôn bị đặt trong sự so sánh với những người khác, có ai lại không từng ám ảnh về những “vị trí trong cuộc đời”, để rồi luôn cứ chăm chăm chạy theo đuôi một quyền lực, một địa vị, chức vụ hay là danh hiệu khó với? Đó cũng chính là lúc ta bị chi phối bởi những hư danh nhất thời mà lãng quên đi sự bền vững của hành trình sống, lãng quên đi một “đích đến cuối cùng”, cũng là một kết cục sau cuối làm nên gương mặt của riêng ta tại cái giờ khắc giã từ cuộc đời. Đưa ra sự định nghĩa về “điều quan trọng” trong cuộc đời, Oliver Wendell Holmes đề cao những đích đến bền vững và lớn lao thay vì chạy theo nỗi ám ảnh của danh vọng và địa vị thoáng chốc. Để rồi khi mỗi người nhận ra, châm ngôn sống ấy có trở thành một điểm tựa vực ta dậy sau mỗi phút ngã lòng mà hướng tới cái đích dài rộng phía trước? Hay sẽ hóa thành lời nhắc đánh thức ta dậy phía sau những giấc ngủ trên thành công?
Bất cứ sự đúc kết nào cũng đều làm từ va vấp và chiêm nghiệm, cả với sự thức nhận về vai trò của “đích đến cuối cùng” cũng thế. Mỗi chúng ta vào cái độ “trẻ người non dạ” vẫn thường theo đuổi những vị trí, những danh hiệu và hư vinh. Bởi một khi đã dấn thân mà chịu nhiều gian khổ trên hành trình chinh phục thành tựu, những “quả ngọt” nhất thời càng trở nên quý giá, như một sự đền đáp cho những nhọc lòng khổ công, cũng là một điểm tựa để con người ta có thể dừng nghỉ và bước tiếp. Những vị trí nhất thời giữ cho sợi dây của sự kiên nhẫn, lòng bền bỉ và sức chịu đựng của con người không đứt phụt. Không chỉ vậy, sở dĩ con người ta dễ bị mê hoặc bởi những “vị trí” còn là bởi nơi ấy tồn tại những con đường tắt có thể dung túng cho một sự phụ thuộc, biếng nhác, ỷ lại và lòng ham hư vinh ở những con người không có chí tiến thủ. Để rồi chỉ có thể kiếm tìm một cái vỏ cây rỗng tuếch mà che chắn cho sự khiếm khuyết về cả tài năng và nhân cách, “vị trí” dường như là lá chắn cuối cùng để cho họ có thể nhận được ánh nhìn tôn trọng từ xã hội. Đặc biệt là trong một nền kinh tế thị trường nơi đồng tiền ngự trị và một cái nhìn thực dụng thắng thế, chưa bao giờ và chưa ở đâu, con người ta lại phải mang nặng một nỗi ám ảnh về sự trình diện “vị trí”, vật chất và địa vị nhiều như hiện tại. Người ta có thể dễ dàng đưa ra kết luận về gia cảnh của một người chỉ dựa vào sự quan sát vẻ bề ngoài, qua chiếc xe hay cái áo. Người ta cũng thường vô thức uốn mình theo quy chuẩn của đám đông mà trèo lên người biết bao thứ trang sức đắt tiền mặc cho hoàn cảnh chẳng khá giả. Những vị trí hay giá trị nhất thời, trái ngang thay lại trở thành thước đo để soi chiếu giá trị người của xã hội. Để rồi con người ta cứ chạy theo những vị trí thoáng qua, âu cũng là để không tự biến mình thành kẻ ngoại biên lạc loài khỏi cộng đồng.
Cứ theo đuổi những vị trí khác nhau trong cuộc đời tựa như một hành trình không hồi kết, sẽ đến lúc ta nhận ra, giá trị đích thực của cuộc đời chẳng nằm ở danh hiệu nhất thời mà ẩn tại đích đến sau cuối. Bởi lẽ điều gì dễ đến thì cũng dễ đi, tất cả những vị trí, danh vọng hay là lòng mến mộ của cộng đồng cũng đều là những giá trị nằm ở ngoài ta và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Nếu như một người có thể dễ dàng cảm mến bạn chỉ vì một chút thành tựu nhỏ bé, nào có ai hay biết họ cũng sẽ quay lưng dễ dàng như thế chỉ vì một lỗi sai. Nếu bạn có thể dễ dàng mà đạt được thành công, lẽ nào người khác lại không thể? Luôn luôn tồn tại những con người thời cơ với cặp mắt soi xét, từng giây từng khắc chỉ đợi bạn sơ hở để đoạt ngôi tiếm quyền. Một sự đáng sợ của xã hội đánh mất ở con người niềm tin trong sáng, để rồi rót vào là một thứ cảm thức hoài nghi đặc sệt, kết nên thành vấn nạn mang tên “khủng hoảng tồn tại” (existential crisis). Không thể tìm thấy một người đáng tin để bộc bạch chia sẻ những tâm sự giấu kín, cũng chẳng thể nguôi nỗi ám ảnh bị lợi dụng bất cứ lúc nào. Đó chính là hệ quả tất yếu của một vị trí nhất thời thoáng qua. Những điều chẳng những không đem lại một giá trị chắc chắn mà còn gây ra bao xúc cảm tiêu cực.
Những “vị trí trong cuộc đời” có thể đem lại bao nỗi sợ là thế, nhưng con người ta vẫn thường có xu hướng tiếp tục chờ đợi một vị trí tiếp theo hơn là bắt đầu lại với một “đích đến cuối cùng”. Để rồi cứ sai lại càng thêm sai, vị trí nhất thời làm lỡ dở con đường đúng đắn phù hợp của mỗi con người. Nó khiến ta chẳng những phải hao tổn biết bao thời gian và tâm sức một cách hoài phí mà còn bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp đẽ chỉ vụt qua một lần trong đời. Để rồi mới ngóng vọng về hàng cây đã khuất xa khi ngồi trên chuyến tàu không bán vé khứ hồi, những tiếc nuối ấy dẫu cho có khiến ta thức tỉnh và thay đổi cách sống thì cũng vẫn khắc đậm thêm một lỗi sai không thể bào chữa thuở bồng bột. E sợ về một khả năng lỡ dở cuộc đời vì những vị trí thoáng chốc, phải chăng đó cũng chính là lí do khiến cho Avi Schiffman từ chối hàng chục quảng cáo triệu đô giữa thời buổi đại dịch? Xây dựng trang web ncov2019.live với hàng chục triệu lượt truy cập mỗi ngày thời kì căng thẳng, Avi sở hữu một trong những trang web lớn nhất thế giới và tất yếu nhận được vô vàn những lời mời quảng cáo, có hợp đồng còn lên tới 8 triệu USD. Đứng trước một “vị trí”, một quả ngọt đầy mời gọi khi có thể trở thành tỷ phú ngay từ thuở thiếu thời, Avi đã kịp thời ý thức được nguy cơ của một đời sống kinh doanh khắc nghiệt có thể tước đoạt ở cậu cuộc sống tuổi 17 hồn nhiên vô tư, và đặc biệt là có thể làm lỡ dở ước mơ khát vọng thuở ban đầu của cậu. Để rồi chẳng do dự mà lựa chọn tuyến đường phù hợp nhất với bản tính, chẳng phải cũng bởi vậy mà hành trình sống của chàng trai ấy mới không kết thúc, không yên phận, không đóng băng hay sao? Vẫn chảy trôi về phía “đích đến cuối cùng” với cả những cố gắng và lo âu thường tình, thiết nghĩ, đó cũng chính là những xúc cảm thiết yếu đem lại cho đời sống của con người sự có nghĩa và trọn vẹn. Như một lời minh chứng cho sự quan trọng không thể đo bằng vật chất của “đích đến cuối cùng”.
Khước từ những cám dỗ của vị trí nhất thời mà miệt mài đi trên con đường “cuối cùng”, như sự lựa chọn của chàng thiếu niên Avi, đó cũng chính là lúc ta trở nên tự chủ và độc lập trước mọi biến suy của đời sống. Để rồi “đích đến cuối cùng” cũng vì thế mà trở nên quan trọng, cũng bởi giúp cho con người chuyển hóa hệ giá trị của mình từ vật chất bên ngoài trở thành nội tại bên trong. Vững vàng hơn, tự chủ hơn, không dễ dàng chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh sống. Bởi một khi đã biết nếm vị đắng của “vị trí” mà thấm thía ngậm ngùi, ta biết cách sống có trách nhiệm và cẩn trọng trong từng bước đi. Bởi một khi đã biết rút kinh nghiệm từ sau lầm lỡ thất bại, ta hiểu rằng thành công được tạo nên từ mỗi bước chạy nhỏ, dù cho có là vấp ngã đau buồn. Bởi một khi đã biết bắt đầu tìm lại đích đến cuối cùng, ta tự xây cho mình một lòng kiên trì và bền bỉ vững chắc. Tất thảy những hệ giá trị ấy đều được nảy nở khi con người hướng về “đích đến cuối cùng” – một hành trình đủ dài, đủ lâu, cũng là đủ khó để kiến tạo nên những hệ giá trị nội tại độc lập. Và đó mới chính là những thứ sẽ đi cùng ta suốt cuộc đời.
Những giá trị nội tại ấy là khả dĩ có thể nảy nở nếu như ta biết hướng về những “đích đến cuối cùng”, nhưng tất yếu cũng chẳng phải là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên. Để có thể cầm cự được trước những cơn bão giông mà chạm được tới vạch đích cuối cùng, có lẽ sẽ là cần thiết nếu như ta hun đúc cho mình một bản lĩnh không ngừng vươn dậy. Chấp nhận thử thách và quyết định đối đầu, cho dù kết quả nhận lại có là gì đi chăng nữa, để rồi dẫu có thất bại cũng chẳng hối tiếc mà vẫn gắng sức vực lên, đó chính là thông điệp từ triết lý sống “Sisu” mà người Phần Lan nhắn nhủ. Chẳng thế mà dẫu cho có quanh năm sống ở khu vực Bắc Cực đầy bóng tối và giá rét, người dân đất nước này vẫn giữ mãi trong mình một niềm lạc quan và đam mê, bởi tin rằng “điều gì phải đến cũng sẽ đến”, và thứ ta cần là một bản lĩnh vượt lên trên nghịch cảnh. Và không chỉ dành riêng cho những kẻ sa cơ lỡ vận, ngay cả đối với những khi thành công, ta cũng hãy biết không ngừng hoài nghi và chất vấn. Để luôn ý thức về sự biến thay của mọi giá trị ngoại cảnh, để giữ mãi một lòng cảnh giác đối với những mầm mống và nguy cơ, cũng là để không nghiễm nhiên biến mình thành một kẻ đã về đích khi cuộc đua còn chưa thực sự bắt đầu.
Ý thức được về tầm quan trọng của “đích đến cuối cùng” để mà làm điểm tựa cho thất bại ở hiện tại, song sẽ ra sao nếu như điểm tựa ấy bị biến thành một lời bao biện, dung túng cho sự lười biếng và lỗi sai? Phủi bỏ mọi vai trò của bước đi nhỏ trong khi đó là nền tảng để đưa dẫn ta lên đỉnh núi, sự trông chờ vào một cái đích cuối cùng xa xăm chỉ càng làm dày lên bức tường của trở ngại bên trong con người. Đăm đăm hướng tới một giá trị toàn vẹn cuối cùng khi không biết thành công làm nên từ cả những ngạc nhiên, sai lầm và vấp ngã, đích đến cuối cùng éo le thay lại trở thành một ảo tưởng ru vỗ và nhấn chìm những tâm hồn ngây thơ. Nếu chỉ mơ hồ chờ đợi vào một vạch đích xa xăm lắm mà coi thường những vị trí ở hiện tại, ta sẽ trôi dạt tới cuối đời từ lúc nào trong trạng thái không vị trí, cũng không có một đích đến cuối cùng. Vị trí của cuộc đời dẫu cho không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng dù có là thành công, thất bại hay ảo tưởng, đó cũng là một nấc thang cấu thành nên chặng đường leo núi để chạm tới “đích đến cuối cùng”.
Nhưng cho dẫu có cố gắng hết mình, ở cả những vị trí và những cái đích, sẽ không có gì đảm bảo rằng ta tất yếu sẽ phải được nhận lại thành công. Bởi không tồn tại một công thức nào là luôn đúng giữa cuộc đời không ngừng lật đổ và thách thức các cấu trúc vững vàng. Ta buộc phải chấp nhận những viễn cảnh tồi tệ ngay cả khi đã cố gắng hết sức. Hơn tất thảy mọi sự chủ động nhận thức về vị trí và đích cuối cùng, phải chăng bài học đầu tiên cần chuẩn bị chính là tâm thế bình thường hóa trước những nghịch lí không thể giải đáp? Để không vì cái vô thường của cuộc đời mà vùi chôn chính mình.
Kiếm tìm cho mình một vị trí hay là một đích đến cuối cùng, suy cho cùng cũng là để in dấu vào trong trái tim người khác, bằng chính những quy chuẩn định giá của cộng đồng. Sẽ ra sao khi kỉ nguyên hiện đại mở ra với sự phá vỡ của những quy chuẩn kiên cố ấy? Đâu sẽ là sự định giá cho con người, cho những vị trí và đích đến cuối cùng của cuộc đời? Như quan niệm về hậu sự thật mà Nietzsche đã phát biểu. Ông cho rằng con người tạo ra các khái niệm, qua đó họ xác định cái gì là tốt và cái gì là công bằng. Chân lý (truth) vì thế luôn mang tính giá trị chứ không khách quan, và hiện thực được xây dựng dựa trên nền tảng của ý chí con người. Post-truth không còn là bàn về câu hỏi “Đâu là sự thật?” mà là bàn về câu chuyện niềm tin. Phải chăng cũng vì thế mà hệ quy chiếu của vị trí và đích đến quy về điểm nhìn của con người? Để rồi từ đó mà ta chứng kiến những cuộc đời, những số phận, những bức chân dung đa dạng, đa sắc màu và phong phú hơn, kết nên từ mong muốn bản nguyên của mỗi con người. Song bên cạnh những cá nhân khao khát đam mê và sáng tạo, hiện thực xã hội hiện đại cũng lộ rõ những mặt trái với thực cảnh “khủng hoảng hiện sinh” và “khủng hoảng bản sắc” ở những người trẻ hiện nay. Không còn sở hữu một năng lực tự nhận thức về những giá trị của bản thể, đánh mất đi niềm tin đối với những hệ giá trị cuộc sống, con người giờ đây lại trở nên thật hoang mang vô định, không thể nhận biết, cũng không thể xác định được những mong mỏi, đam mê của chính mình.
Ý thức được về thách thức lớn mở ra trước mắt thế hệ trẻ ấy, tôi mới được dịp nhìn sâu vào trong con người mình, với những đam mê nhạt nhòa, với những xúc cảm bồng bột thoáng chốc, với những sự mông lung vô định trong bước đường tương lai. Để rồi thức ngộ ra, chính mình cũng đang sống trong sự vây bủa của biết bao nhiêu những “vị trí” nhất thời như thế giữa tuổi thiếu thời. Nhưng liệu rằng chỉ bằng một sự ý thức có thể khước từ đi được sự vây bủa của những ràng buộc ấy? Khi những vị trí phù phiếm trái ngang thay lại thâm căn cố đế trong tiềm thức của con người từ lâu đã trở thành một thói quen khó bỏ, trong cái cách tôi ép mình phải đạt thành quả cao để cha mẹ không phiền não, trong cái việc tôi chẳng thể bị điểm kém để không nhận về những lời phê bình của thầy cô. Dấu tích của những “vị trí trong cuộc đời” không chỉ hằn in trong nhận thức của những người trường thành mà còn gieo rắc một cách vô tình nơi tâm hồn con trẻ ngay cả trong môi trường học tập văn hóa, liệu rằng sự theo đuổi những vị trí nhất thời ấy có dễ dàng mà đổi thay?
Không một mực chọn ra cho mình một “điều quan trọng nhất”, dù là vị trí hay đích đến cuối cùng, sao ta không gắng hết sức mình trên mọi chặng đường để cuộc đời khép lại nở rộ trên từng bước đi? Những sự nở rộ đôi khi không phụ thuộc hoàn toàn vào định giá thành công hay là thất bại, chỉ đơn giản là ta đã cố gắng hết sức mình, chỉ bởi vì ta đã chẳng phải thốt lên một lời tiếc nuối hay một cái ngoái trông.
…
Hy vọng rằng bài mẫu Điều quan trọng không phải là chúng ta có được vị trí nào trong cuộc đời, mà là đích đến cuối cùng của chúng ta ở đâu… sẽ là nguồn tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức làm bài và tự tin hơn trong môn Ngữ Văn THPT. Hãy cùng nhau khám phá và luyện tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, đạt điểm cao nhé! Chúc các bạn thành công!
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom
Group: https://www.facebook.com/groups/2k7onthidgnl
Threads: https://www.threads.net/@onthidgnl2k7
Bộ sưu tập bài viết Nghị luận xã hội: https://onthidgnl.com/chuyen-muc/nghi-luan-xa-hoi/