Cách làm dạng đề nghị luận bài thơ đoạn thơ là một trong những phần lưu tâm khi làm nghị luận văn học của môn Văn thi tốt nghiệp THPT. Vậy cách làm dạng đề nghị luận văn học này như thế nào để vừa ngắn gọn, súc tích mà vẫn đầy đủ ý để đạt điểm cao? Mời bạn tìm hiểu ngay qua bài viết sau.
Mục lục
1. Những dạng đề nghị luận bài thơ, đoạn thơ
Một số câu hỏi thường gặp về dạng đề nghị luận bài thơ, đoạn thơ trong đề thi tốt nghiệp THPT gồm có:
– Phân tích một đoạn thơ trong bài thơ nào đó.
– Phân tích toàn bộ bài thơ.
– Phân tích một hình ảnh hay một chi tiết xuất hiện trong bài thơ.
– Phân tích một khía cạnh có trong đoạn thơ hay bài thơ.
– So sánh hai đoạn thơ hoặc hai bài thơ với nhau.
– Nghị luận đưa ra ý kiến bàn về đoạn thơ hay bài thơ.
2. Dàn ý chung cho dạng đề nghị luận bài thơ, đoạn thơ
Khi làm về dạng đề nghị luận bài thơ, đoạn thơ cũng giống như nhiều dạng đề khác cần phải có mở bài, thân bài và kết bài.
- Mở bài:
Bạn cần viêt về tác giả của bài thơ/đoạn thơ rồi viết về đoạn thơ hoặc bài thơ. Nếu là một đoạn thơ ngắn thì bạn hãy chép hết cả đoạn, còn nếu là đoạn thơ dài thì bạn hãy chép hai câu thơ đầu, sau đó dùng dấu …rồi chép câu thơ cuối cùng.
Nếu câu hỏi yêu cầu so sánh hai đoạn thơ hay hai bài thơ thì trong phần mở bài bạn phải nêu được vài nét giới thiệu về tác giả và đoạn thơ của cả hai tác phẩm.
- Thân bài:
Đầu tiên, bạn hãy khái quát về phong cách của tác giả, nêu ra hoàn cảnh sáng tác và nội dung chính của bài thơ.
Tiếp theo, bạn cần nêu được vị trí của đoạn thơ, bài thơ, đồng thời lưu ý tới giọng điệu và âm điệu.
Sau nữa là phân tích về bài thơ hay đoạn thơ. Phân tích thì bạn có thể chọn phân tích theo kiểu bổ ngang hoặc phân tích theo kiểu bổ dọc.
Nếu là bổ ngang thì bạn hãy phân tích theo từng khổ thơ, từng dòng thơ. Còn kiểu bổ dọc thì bạn hãy phân tích theo hình tượng và nội dung xuyên suốt cả đoạn thơ hay bài thơ.
Bạn hãy xem bài thơ, đoạn thơ đó nội dung chính là gì rồi đưa chúng thành các luận điểm lớn. Mỗi một nội dung chính là một luận điểm.
Bạn chú ý phương pháp phân tích tác phẩm văn học hay là phải đi kèm với ý kiến đánh giá và bình luận, không nên diễn nôm bài thơ.
Khi phân tích bạn nên chia nhỏ đoạn văn, mỗi đoạn nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp.
- Kết bài:
Bạn hãy đưa ra đánh giá khái quát cho bài thơ, nhận định về đóng góp riêng của tác giả bài thơ.
3. Ví dụ minh họa
Câu hỏi: Trong bài thơ Tây Tiến, mạch liên kết giữa các đoạn thơ là gì?
Gợi ý trả lời:
Mạch liên kết giữa các đoạn thơ ở trong bài thơ Tây Tiến đó là nỗi nhớ của nhà thơ. Nỗi nhớ ấy xuất hiện một cách rất tự nhiên. Nhà thơ nhớ về chiến trường, nhớ tới những đồng đội trước đây đã cùng đánh giặc tuy gian khổ mà rất hào hùng. Nỗi nhớ ấy được thể hiện xuyên suốt bài thơ, tạo nên một mạch liên kết chặt chẽ giữa các đoạn thơ. Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ, tiếp đến là những kỷ niệm, những nỗi nhớ về Tây Tiến và sau cùng là một lời khẳng định một lòng luôn nhớ về Tây Tiến, mãi gắn bó với Tây Tiến.
Như vậy, chúng tôi vừa mới chia sẻ cho các bạn về Cách làm dạng đề nghị luận bài thơ đoạn thơ. Hy vọng qua những chia sẻ trên, các bạn sẽ biết cách làm bài khi gặp dạng đề kiểu này. Chúc các bạn ôn thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn thật tốt.
Theo dõi MXH của Onthidgnl để update nhiều tài liệu miễn phí nhé:
FB: https://www.facebook.com/onthidgnlcom