Bài thơ Đất nước là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về quê hương, đất nước trong thời kỳ chống Mỹ qua những phương diện và cách nhìn mới lạ của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Để giúp các bạn ôn thi đại học môn văn, thì bài viết dưới đây sẽ khái quát các nội dung học sinh cần nắm được khi nghiên cứu tác phẩm này.
Mục lục
Đôi nét về tác giả
Nói về thế hệ các nhà thơ trẻ trong nền văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không thể không nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm. Sinh năm 1943 tại Huế, Nguyễn Khoa Điềm được biết đến với ngòi bút tài hoa của thể loại văn chính luận kết hợp với chất trữ tình mang chút suy tư, sâu lắng của thế hệ trí thức đối với tình hình, hoàn cảnh của đất nước và nhân dân Việt Nam
PGS Phan Huy Dũng từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Khoa Điềm thu hút, hấp dẫn người đọc bởi sự đan kết giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng.”
Giới thiệu chung về tác phẩm
– Bản trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm viết vào những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt ở chiến khu Trị – Thiên. Với mục đích truyền tải trong tác phẩm là thức tỉnh của tuổi trẻ thành thị vùng bị tạm chiếm ở miền Nam trước 1975. Đó là ý thức về tự tôn dân tộc, ý thức về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ trẻ hòa cùng cuộc chiến đấu của nhân dân. Đoạn trích Đất Nước thuộc phần đầu, chương V của bản trường ca.
– Đoạn trích Đất Nước tiếng lòng của tác giả về vai trò và những sự hi sinh to lớn của nhân dân trong công cuộc dựng nước, và giữ nước.
Theo GS. Trần Đăng Suyền nhận định: Cũng như những nhà thơ trẻ tiêu biểu của thời chống Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những suy ngẫm của mình về nhân dân thông qua những trải nghiệm của chính bản thân mình. Tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”, “Đất Nước của ca dao thần thoại” là tư tưởng chủ đạo chi phối cả nội dung và hình thức của tác phẩm.
Nội dung – Nghệ thuật tiêu biểu
– Về nội dung:
Đoạn trích “Đất nước” được chia thành hai phần:
+ Mở đầu bài thơ (Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi/ …/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ), Nguyễn Khoa Điềm lý giải cội nguồn hình thành của Đất Nước – Đất Nước được hình thành từ những điều bình dị, gần gũi với đời sống của mỗi con người: không gian gia đình, không gian đôi lứa và từ không gian lịch sử, truyền thống lâu đời của dân tộc. Đây là một khám phá mới mẻ của ông về Đất Nước. Phần tiếp theo của đoạn 1 (Trong anh và em hôm nay/…./ Làm nên Đất Nước muôn đời) khái quát nhận thức về đất nước rằng: đất nước không chỉ ở quanh ta mà còn ở trong ta, trong mỗi con người đều có một phần đất nước. Từ đó nhắc nhở thế hệ trẻ về ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước bằng giọng thơ tâm tình, thủ thỉ.
+ Cảm nhận Đất Nước từ phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa – làm bật lên tư tưởng “Đất Nước là của Nhân dân”.
– Về nghệ thuật
Bài thơ cần chú ý: Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng chất liệu văn học dân gian sáng tạo; sự kết hợp giữa chất trữ tình và chính luận; thể thơ tự do, nhịp điệu biến đổi linh hoạt.
Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn ôn tập môn ngữ văn thật tốt trong kỳ thi sắp tới nhé! Chúc các bạn thành công và đừng quên theo dõi trang để có thêm thật nhiều kiến thức hay và bổ ích nhé!
***Xem thêm: Hướng dẫn phân tích 1 tác phẩm văn học